Phòng chống tác hại thuốc lá – còn lắm gian nan
16:42', 18/11/ 2003 (GMT+7)

Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP của Chính phủ ban hành đã qua gần 3 năm cùng với việc triển khai Kế hoạch 03 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá của tỉnh dù đã được các ngành, các cấp, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị rất quan tâm song hiệu quả thực hiện xem ra còn nhiều khó khăn…

Ở tỉnh Bình Định, theo thống kê của ngành y tế, năm 2001 tỉ lệ hút thuốc lá toàn dân chiếm hơn 28%. Riêng nam giới hút thuốc lá chiếm tỉ lệ hơn 50% và nam giới là cán bộ, công chức tỉ lệ đó là hơn 30%. Qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 12 của Chính phủ, tỉ lệ CNVC nghiện thuốc lá đã bỏ hút hơn 50%. Đây là một con số đáng mừng nhưng nhìn rộng ra toàn xã hội thì việc phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) còn quá gian nan.

* Chống thuốc lá ở công sở

Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho hay, ngay sau khi có Kế hoạch 03 của Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh, LĐLĐ đã triển khai đến các công đoàn cơ sở, yêu cầu phổ biến cho người lao động, CB-CNVC trong toàn tỉnh thực hiện. LĐLĐ cũng đề nghị đưa mục tiêu bỏ thuốc lá vào đăng ký thi đua hàng năm nhưng nhìn chung đến thời điểm này việc bỏ hẳn thuốc lá trong CNVC chỉ mới khoảng 50% số từng hút và tỉ lệ đó trong người lao động cũng chỉ mới đạt tới chừng 30%. Trong một cái nhìn xa hơn, ông Bằng cho biết đến thời điểm 2010 chính sách quốc gia về PCTHTL có thể thực hiện được đối với CNVC nhưng đối với người lao động thì khó.

Trên thế giới cứ 10 giây có một người chết vì nghiện thuốc lá. Thuốc lá là tác nhân hàng đầu dẫn tới các bệnh về phổi, tim mạch và ung thư. 90% các trường hợp ung thư phổi có thể ngăn chặn được bằng việc bỏ hút thuốc lá.

Chỉ tính riêng tại Việt Nam trung bình mỗi người hút 25 bao/năm thì giảm thọ tối thiểu 5 năm nếu không kết hợp với các bệnh khác, bởi 1 điếu thuốc lá làm giảm thọ 5 phút.

Tại Sở Kế hoạch – Đầu tư, Thường trực Ban chỉ đạo PCTHTL của đơn vị cho biết, tại Văn phòng Sở hiện có khoảng 40% CBCC là nam giới hút thuốc lá. Dù việc thực hiện PCTHTL được đề ra tại đơn vị rất nghiêm như quy định tất cả các phòng làm việc của đơn vị đều có bảng "Không hút thuốc", trong các cuộc họp của đơn vị cũng như khi khách đến liên hệ công tác đều không mời thuốc lá, đưa việc bỏ thuốc lá vào chỉ tiêu thi đua nhưng xem ra việc bỏ hẳn thuốc lá trong đơn vị còn khá khó khăn. Anh S., một cán bộ của Sở, cho biết: "Bản thân tôi hút thuốc lá từ năm 15 tuổi cho đến nay đã hơn 35 năm. Thú thực nhiều lúc không có thuốc lá thấy cũng buồn. Trong giờ làm việc khi nhớ thuốc phải bỏ ra ngoài phòng hút một điếu. Còn ở nhà tôi thường hút sau bữa ăn. Trước đây tôi hút thuốc Jet còn giờ đây hạ cấp dùng các loại nhẹ hơn như Duhill hoặc Bastos đót trắng". Trong ngành Thương mại – Du lịch cũng đã có rất nhiều người bỏ thuốc lá. Riêng tại Văn phòng Sở có khoảng 80% nam giới đã bỏ thuốc lá.

* Với lao động doanh nghiệp và nông thôn

Rất nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã đề ra quy chế không hút thuốc trong lúc làm việc đối với công nhân trực tiếp sản xuất, nhất là đối với công nhân sản xuất, chế biến đồ gỗ. Nói chung công nhân khi lao động đã thực hiện rất nghiêm túc điều này. Tuy nhiên vừa tan ca thì nhiều công nhân lại tìm đến điếu thuốc lá như là một phương tiện xả hơi. Anh T., một công nhân sản xuất tại Xí nghiệp gỗ Đại Thành cho hay: "Tôi hút thuốc từ khi mới đi học nghề. Ban đầu là do bạn bè rủ rê, hút một điếu cho vui sau thành quen, không bỏ được. Trong giờ làm việc, tuân thủ nội quy của doanh nghiệp, tôi nhịn hút nhưng hết giờ thì tôi và nhiều công nhân khác cũng phải tìm đến điếu thuốc".

Cũng theo thống kê của ngành y tế, số người ở nông thôn hiện nay cũng đã bỏ thuốc lá khá nhiều. Với thuốc lá cuốn hiện đã có đến 70% số người từng hút đã bỏ hoặc chuyển sang hút thuốc lá điếu. Với người từng hút thuốc lá điếu thì đã bỏ được khoảng 30-40%. Hội Nông dân tỉnh qua 115 CLB Nông dân và phát triển (mỗi CLB có khoảng 70 hội viên) đã cam kết thực hiện các chỉ tiêu không sinh con thứ 3, bảo vệ sức khỏe trẻ em, chống suy dinh dưỡng… trong đó có chỉ tiêu bỏ thuốc lá. Một lãnh đạo của Hội Nông dân tâm sự: "Cán bộ của Hội phải là người đi đầu trong việc bỏ thuốc lá. Hiện đã có 80% cán bộ chủ chốt của Hội bỏ hẳn thuốc lá; ở cấp huyện có khoảng 40% cán bộ Hội bỏ được thuốc. Từ đây Hội đã tích cực cùng ngành y tế vận động bà con nông dân bỏ thuốc lá, nhất là vận động qua hình ảnh minh họa về tác hại của thuốc lá."

* Thanh niên – đối tượng chính

Nhiều người từng hút thuốc thì đang cố bỏ song nghịch lý thay, không ít thanh niên lại thích tìm đến điếu thuốc. Và từ lần đầu tìm đến thuốc đến khi trở thành người hút thuốc thực thụ khoảng thời gian không quá xa. Hàng ngày tại các quán cà phê, quán nhậu vẫn thấy một không gian mù khói thuốc. Hình như ly cà phê, ly rượu cứ phải đi kèm với điếu thuốc. Ở thành phố, thanh niên từ 18 đến 35 tuổi hút thuốc khá phổ biến còn ở nông thôn thì có ít hơn nhưng cũng không phải là ít.

Một cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết: "Việc vận động thanh niên từ bỏ thuốc lá gặp nhiều khó khăn bởi các hàng quán vẫn bày bán đầy rẫy thuốc lá." Thời gian qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh đã phát động phong trào bỏ thuốc lá và không hút thuốc đến các cấp đoàn cơ sở. Với chỉ tiêu thi đua như chi đoàn nào có số đoàn viên hút thuốc lá thì không được xếp loại xuất sắc. Thực hiện tốt nhất chỉ tiêu này vẫn là các chi đoàn ở LLVT. Với Đoàn Dân-Chính-Đảng thì biện pháp đưa ra là mỗi đoàn viên cứ một lần hút thuốc thì bỏ vào thùng nộp phạt 500 đồng (!).

Cuộc vận động PCTHTL rộng lớn vừa qua đã mang lại kết quả bước đầu. Số người bỏ thuốc lá đã tăng đáng kể. Vấn đề cần quan tâm là việc tiếp tục cuộc vận động bằng nhiều hình thức sinh động hơn, triệt để hơn trong các cơ quan, doanh nghiệp và nhất là đối với giới trẻ, người chưa một lần biết cầm đến điếu thuốc.

. HIỀN KHANH

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
2 nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ   (17/11/2003)
Bước đột phá trong điều trị ung thư   (16/11/2003)
Cà phê có thể chống lại ung thư đại tràng   (14/11/2003)
Chiết xuất từ trà xanh có thể ngăn ngừa virus HIV   (13/11/2003)
Rượu – độc hại khó lường  (12/11/2003)
Chín nguyên tắc chi tiêu thông minh   (11/11/2003)
Ăn giấm, chanh có giảm được béo?   (10/11/2003)
12 bí quyết ngăn ngừa bệnh đau đầu   (09/11/2003)
Da mụn, 10 điều cần tránh  (07/11/2003)
4 cách đơn giản để bảo vệ làn da trong thời tiết khô lạnh  (06/11/2003)
Tổn thương niêm mạc do stress  (05/11/2003)
Những điều cần biết khi sử dụng máy giặt  (04/11/2003)
12 điều nên biết để có làn da trắng  (03/11/2003)
Có nên dùng nước lọc làm nước uống thường xuyên?  (02/11/2003)
4 cách chữa bệnh huyết áp cao đơn giản  (31/10/2003)