Bệnh thương hàn
16:33', 20/11/ 2003 (GMT+7)

Bệnh sốt thương hàn do vi khuẩn Salmonella typhi (S.typhi) gây ra. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 16 triệu trường hợp bệnh xảy ra và đã cướp đi sinh mạng của khoảng 600 ngàn người. Đa số các trường hợp bệnh và tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Á với số mắc hàng năm tại các nước trong vùng là 1.000 ca trên 100.000 dân. Sự lây truyền qua đường phân-miệng thông thường là do uống nước hay ăn phải thức ăn có nhiễm mầm bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở những nơi điều kiện vệ sinh thiếu thốn, đặc biệt ở những nơi có điều kiện ăn ở, vệ sinh môi trường, nguồn cung cấp nước và xử lý nguồn nước thải kém. Những người mang mầm bệnh làm ô nhiễm thực phẩm do không đảm bảo vệ sinh cá nhân và vệ sinh an toàn thực phẩm là nguồn lây quan trọng. Ruồi nhặng cũng là nguyên nhân đáng chú ý khi chúng là phương tiện mang mầm bệnh làm ô nhiễm thực phẩm.

Khi nuốt phải thức ăn hay nước uống có nhiễm vi khuẩn thương hàn, phần vi khuẩn sẽ xuống đến ruột non để gây bệnh. Bệnh sốt thương hàn rất khó được chẩn đoán sớm vì giai đoạn đầu tiên của nhiễm trùng không có triệu chứng. Độ nặng của nhiễm trùng thương hàn rất đa dạng phụ thuộc chủ yếu ở số lượng vi khuẩn nuốt vào. Nếu bệnh nhân nuốt phải số lượng ít vi khuẩn có thể không biểu hiện bệnh, ngược lại nuốt nhiều vi khuẩn bệnh sẽ nặng và có thể gây tử vong. Thời gian từ khi nuốt phải vi khuẩn đến khi khởi bệnh khoảng 1-2 tuần, tuy nhiên có thể chỉ 3 ngày hay kéo dài đến 3 tháng tùy thuộc số lượng vi khuẩn nuốt phải. Các dấu hiệu khởi đầu thường gặp là sốt tăng dần, nhức đầu, mệt mỏi, ăn kém, khó chịu vùng bụng, tiêu phân lỏng ở trẻ nhỏ, táo bón ở trẻ lớn và người lớn. Sau đó thấy mạch chậm, gan to hay lách to, họng đỏ và khô, tắc ruột từng đoạn. Biến chứng nguy hiểm nhất và cũng là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp tử vong do thương hàn là thủng và xuất huyết ruột non. Khoảng 4% bệnh nhân sốt thương hàn bị chảy máu ruột non gây phân đen và 2% bị thủng ruột gây viêm màng bụng, sốc. Các biến chứng nguy hiểm khác có thể gặp của bệnh sốt thương hàn bao gồm: nhiễm độc máu, viêm gan, viêm màng não, viêm thận, viêm xương tủy, viêm cơ tim, viêm phổi và viêm tinh hoàn. Những người mang mầm bệnh mạn tính dễ bị ung thư đường mật và ung thư tại các vị trí khác như ung thư đại tràng, tụy và phổi. Bất kể phương pháp điều trị hay yếu tố nguy cơ nào, tỷ lệ tử vong chung khoảng 4% và có thể tăng lên đến 10% ở các nước đang phát triển. Những bệnh nhân thương hàn sau khi hồi phục không đủ miễn dịch để chống lại bệnh nếu họ lại nuốt phải một số lượng lớn vi khuẩn S.typhi.

Hiện nay, nhiều chủng vi khuẩn thương hàn kháng thuốc xuất hiện và lan rộng khắp toàn cầu, chúng đề kháng cả đối với những kháng sinh thế hệ mới. Hơn nữa rất khó loại trừ được người mang mầm bệnh mạn tính bằng điều trị kháng sinh trong khi đây là nguồn lây bệnh quan trọng. Khoảng 2-5% những người bị nhiễm S.typhi trở thành người mang mầm bệnh mạn tính và họ là nguồn lây quan trọng cho cộng đồng nếu họ không có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân và không đảm bảo vệ sinh an tòan thực phẩm.

Một số biện pháp chăm sóc sức khỏe cộng đồng quan trọng để cắt đứt sự lây truyền của bệnh thương hàn và hạn chế diễn biến lâm sàng ồ ạt là sử dụng nguồn nước sạch, an toàn để chế biến thực phẩm và ăn uống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội; mỗi gia đình phải có đầy đủ và sử dụng tốt 3 công trình vệ sinh; đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý nước thải hiệu quả; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân. Chủng ngừa cũng là phương cách tin cậy và hiệu quả nhất trong phòng bệnh sốt thương hàn.

BS. PHẠM SĨ HIỆP

(Trung tâm Y tế dự phòngBình Định)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Để cuộc sống đơn giản hơn  (19/11/2003)
Phòng chống tác hại thuốc lá – còn lắm gian nan  (18/11/2003)
2 nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ   (17/11/2003)
Bước đột phá trong điều trị ung thư   (16/11/2003)
Cà phê có thể chống lại ung thư đại tràng   (14/11/2003)
Chiết xuất từ trà xanh có thể ngăn ngừa virus HIV   (13/11/2003)
Rượu – độc hại khó lường  (12/11/2003)
Chín nguyên tắc chi tiêu thông minh   (11/11/2003)
Ăn giấm, chanh có giảm được béo?   (10/11/2003)
12 bí quyết ngăn ngừa bệnh đau đầu   (09/11/2003)
Da mụn, 10 điều cần tránh  (07/11/2003)
4 cách đơn giản để bảo vệ làn da trong thời tiết khô lạnh  (06/11/2003)
Tổn thương niêm mạc do stress  (05/11/2003)
Những điều cần biết khi sử dụng máy giặt  (04/11/2003)
12 điều nên biết để có làn da trắng  (03/11/2003)