Mùa lạnh, nói chuyện cảm lạnh
16:5', 25/11/ 2003 (GMT+7)

Cảm lạnh thật ra chẳng có gì mới. Ai trong chúng ta cũng đã từng bị với những triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi (hoặc nghẹt mũi), ớn lạnh dọc xương sống, ho khan hoặc có chút ít đờm, có khi đau nhức mình mẩy. Ða số các triệu chứng cảm lạnh chỉ là tình trạng viêm cấp tính niêm mạc đường hô hấp trên và thường tự khỏi sau tối đa 1-2 tuần. Tuy nhiên, khi Tổ chức Y tế Thế giới đang lên tiếng cảnh báo dịch SARS có thể quay trở lại thì việc nhắc lại bản chất của cảm lạnh và cách lây lan của nó cũng không phải thừa - vì xét cho cùng SARS cũng là một tình trạng viêm cấp tính ở hệ thống hô hấp.

* Cảm lạnh là gì?

Là một hội chứng nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp trên do virus gây ra. Ngày nay người ta đã biết có đến 120 loại virus là thủ phạm gây ra những triệu chứng cảm thông thường ở người. Các virus này "thường trú" ở cổ họng, bao gồm các Rhinovirus (thường gặp nhất), Coronavirus, Adenovirus, Parainfluenza...

Các triệu chứng ban đầu của cảm lạnh thường là một sự nhiễm trùng các màng nhầy (niêm mạc), đường hô hấp trên (mũi, xoang, họng) dẫn đến các dấu hiệu nghẹt mũi (hoặc nhảy mũi), nhức đầu, chóng mặt, ho khan hoặc có đờm, mệt mỏi, suy nhược, đau cơ...

Theo một nghiên cứu của Tổ chức dịch vụ sức khỏe công cộng Mỹ (US.PHS.), chỉ trong một mùa đông, tại Mỹ đã có 50% người bị cảm lạnh. Theo đó, số lượng các thuốc "điều trị mọi triệu chứng cảm" cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, kể cả thuốc "không cần toa" (OTC). Các công ty dược đã quảng cáo nhiều thuốc điều trị và phòng ngừa như các vitamin, thuốc kháng dị ứng, thuốc giảm sung huyết, thuốc kháng viêm bằng súc họng, kháng sinh, dung dịch xịt mũi và họng... Cũng theo nghiên cứu trên, người dân Mỹ hàng năm đã phải tiêu tốn tới 900 triệu USD để trị ho và cảm.

Tuy vậy, những nghiên cứu về phương pháp điều trị cảm thường không có ý nghĩa khoa học vì sự khó khăn trong việc chẩn đoán chính xác cảm lạnh. Thuật ngữ "cảm lạnh" không những được áp dụng cho những ca nhiễm virus đường hô hấp mà còn cho hầu hết những nhân tố khác nhau gây sự tắc nghẽn ở mũi, bao gồm kích thích, dị ứng. Những sự tắc nghẽn không phải do viêm nhiễm như vậy kéo dài vài giờ hoặc vài ngày. Bất cứ thuốc nào, ngay cả placebo (giả dược) dường như đều có hiệu quả rõ rệt nếu sự tắc nghẽn chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Các thuốc kháng dị ứng (antihistamin), mặc dù có góp phần làm khô các niêm mạc nhưng tác dụng phụ lại nhiều hơn, gây ra các triệu chứng như ngủ gà, chóng mặt, nhức đầu.

* Cách lây lan của cảm lạnh.

Cảm lạnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, cụ thể là qua những hạt ẩm li ti trong không khí bắn ra từ những cơn ho, nhảy mũi hoặc đơn giản hơn là từ những cuộc nói chuyện thông thường của người bệnh đang trong giai đoạn xuất tiết.

Thật không may khi cái tên "cảm lạnh" được gán cho bệnh này. Nó làm nhiều người lầm tưởng rằng nguyên nhân của cảm lạnh là đi đầu trần dưới mưa, không mặc đủ ấm hoặc sau đó không uống thuốc cảm... Ðiều này chỉ đúng trong trường hợp trời sắp mưa hoặc lúc bắt đầu mưa (nhất là mưa nhỏ), vì lúc đó trong không khí có rất nhiều điện tử âm (e-). Nếu bị nhiễm vào cơ thể quá nhiều, các điện tử âm này sẽ làm lệch lực tĩnh điện của cơ thể về phía âm, làm cơ thể đề kháng yếu với virus và thời tiết. Sự việc cũng xảy ra tương tự nếu ban đêm nằm ngủ để quạt máy chĩa trực tiếp vào người, vì trong khi ngủ, cơ thể sẽ bị nhiễm nhiều e- hơn ban ngày.

Tỷ lệ cảm lạnh gia tăng trong mùa lạnh chỉ nói lên một điều ít ai để ý đến, đó là do chúng ta ở trong nhà quá lâu nên tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của virus từ người này sang người khác. Có một thực tế là ta ít khi bị cảm vì yếu tố thời tiết (sự lạnh giá) hơn là khi ở chung với đám đông có những người ưa khịt mũi, nhảy mũi.

Ngoài ra, cảm lạnh còn lây truyền qua sự tiếp xúc cơ thể (bắt tay, hôn...) và những vật phẩm ô uế khác. Nhà ở, văn phòng (nhất là những nơi có máy lạnh), lớp học (đặc biệt là nhà trẻ, mẫu giáo) đều là những nơi dễ lây truyền cảm lạnh.

Sự lây lan còn phụ thuộc rất nhiều vào sức đề kháng khác nhau của từng cá thể. Ngoài ra không phải ai khi tiếp xúc với một nguồn lây nhiễm nào đó cũng đều bị cảm... Tất cả những sự khác nhau này thật sự gây khó khăn rất lớn cho việc đánh giá hiệu quả của bất kỳ loại thuốc nào trong suốt quá trình bị cảm. Ngày nay, phần lớn các nhà y học đều nhận định rằng ngoại trừ đến khi một thuốc chống virus có hiệu quả được phát minh hoặc một vaccin phòng cảm lạnh được hoàn thiện, sẽ không có một tiến bộ thực sự nào trong việc giới hạn sự lan truyền của cảm lạnh và tác hại của nó lên cộng đồng.

. Theo Sức khỏe & Đời sống

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Biển và sức khỏe  (24/11/2003)
9 dấu hiệu báo động bệnh ung thư   (23/11/2003)
10 cách để ngủ ngon  (21/11/2003)
Bệnh thương hàn  (20/11/2003)
Để cuộc sống đơn giản hơn  (19/11/2003)
Phòng chống tác hại thuốc lá – còn lắm gian nan  (18/11/2003)
2 nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ   (17/11/2003)
Bước đột phá trong điều trị ung thư   (16/11/2003)
Cà phê có thể chống lại ung thư đại tràng   (14/11/2003)
Chiết xuất từ trà xanh có thể ngăn ngừa virus HIV   (13/11/2003)
Rượu – độc hại khó lường  (12/11/2003)
Chín nguyên tắc chi tiêu thông minh   (11/11/2003)
Ăn giấm, chanh có giảm được béo?   (10/11/2003)
12 bí quyết ngăn ngừa bệnh đau đầu   (09/11/2003)
Da mụn, 10 điều cần tránh  (07/11/2003)