Vài năm gần đây, đại dịch HIV/AIDS không chỉ nhằm vào đối tượng nghiện chích ma túy, gái mãi dâm mà còn ở các đối tượng là dân di trú. Bình Định có nghề truyền thống đánh bắt xa bờ và trong số họ đã phát hiện có đến 10 người nhiễm HIV trong đó 7 người mắc bệnh AIDS đã tử vong. Mô hình giáo dục phòng chống AIDS cho ngư dân dưới sự hỗ trợ của GTZ (Tổ chức hợp tác kỹ thuật Việt - Đức) được triển khai từ tháng 6-2001 tại Bình Định thật đúng lúc.
Thực ra đây chỉ là một trong số 4 mô hình về phòng chống AIDS mà GTZ đã hỗ trợ tại Bình Định. Ba mô hình khác đang thực hiện đồng thời là: Phòng chống các bệnh qua đường tình dục; Triển khai các phòng tư vấn; Quán cà phê tư vấn. Tất cả các mô hình do GTZ hỗ trợ này đều nhằm mục đích tuyên truyền phòng chống AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục (STD) thông qua kỹ thuật, tài liệu truyền thông, nhất là truyền thông qua băng đĩa, và các tài liệu. Mô hình Giáo dục phòng, chống AIDS cho ngư dân được triển khai giai đoạn 1 từ tháng 6-2001 đến hết tháng 12-2002 và giai đoạn 2 mới bắt đầu từ tháng 4-2003 và sẽ kết thúc vào tháng 4-2004.
Việc chọn đối tượng ngư dân, đặc biệt là ngư dân đánh bắt xa bờ làm đối tượng giáo dục phòng chống AIDS là một lựa chọn hợp lý, bởi đây là đối tượng thường xuyên thoát ly khỏi sự giám sát của gia đình và địa phương trong thời gian dài, lại là những người ở lứa tuổi từ 18 đến 50 có khí chất khỏe mạnh và sẵn tiền sau mỗi chuyến thu hoạch hải sản; mặt khác phần lớn họ là những người có trình độ nhận thức hạn chế, nhất là nhận thức về phòng chống HIV/AIDS. Với mục tiêu 80-85% đối tượng là ngư dân đánh bắt xa bờ được tiếp cận với mô hình mà cụ thể là được cung cấp kiến thức cơ bản về phòng chống HIV/AIDS/STD để chấp nhận sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục.
Giai đoạn 1 dự án Truyền thông phòng chống AIDS cho ngư dân được triển khai tại 6 xã phường là Cát Khánh (Phù Cát), Mỹ Thọ (Phù Mỹ), Hoài Hương và Tam Quan Nam (Hoài Nhơn), Trần Phú, Hải Cảng (Quy Nhơn). Còn giai đoạn 2 cũng có 6 xã khác được chọn là Nhơn Lý (Quy Nhơn), Cát Tiến (Phù Cát), Mỹ Thành và Mỹ An (Phù Mỹ), Tam Quan Bắc và Hoài Thanh (Hoài Nhơn). Tại các xã có mô hình này Dự án chọn mỗi xã 3 tuyên truyền viên (TTV) là những người tích cực, có kỹ năng truyền thông và nhiệt tình với các hoạt động phòng chống AIDS. Các TTV được đào tạo qua các lớp tập huấn cơ bản, đảm bảo kiến thức và kỹ năng tiến hành các hoạt động mô hình và được trang bị các tài liệu chuyên môn và tài liệu truyền thông cần thiết. Các TTV tiếp cận các đối tượng là ngư dân đánh bắt xa bờ, vợ và người nhà của họ bằng các cuộc gặp mặt tại nhà, quán cà phê, chợ hoặc thảo luận nhóm từ 10 đến 15 đối tượng tại một địa điểm thích hợp. Tại các buổi thảo luận nhóm, các đối tượng được xem băng video về bệnh AIDS, được trao đổi thẳng thắn về các biện pháp phòng chống lây nhiễm HIV và được phân phát các tập sách, tờ rơi… tuyên truyền về phòng chống AIDS. Nhờ sự nỗ lực của lực lượng tuyên truyền viên cùng với sự giúp sức của các ban, ngành, đoàn thể các địa phương, đến nay nhận thức của ngư dân tại những vùng có tổ chức mô hình đã chuyển biến tốt. Nhiều người vợ của ngư dân đánh bắt xa bờ đã thống nhất được cùng chồng phải dùng bao cao su khi quan hệ tình dục, nhiều người vợ còn dám chuẩn bị bao cao su cho chồng trước những chuyến đi biển đánh bắt xa bờ.
Khoảng hơn 300 triệu đồng do GTZ hỗ trợ cho 2 giai đoạn của dự án mô hình giáo dục phòng chống AIDS cho ngư dân chưa phải nhiều, song nó đã đem lại một nguồn lực mới và quan trọng hơn là kỹ thuật, phương pháp để các hoạt động đi vào chiều sâu, can thiệp một cách hiệu quả đối với giới, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.
QUANG KHANH
|