Thuốc là một dạng phế phẩm đặc biệt được sử dụng trong những trường hợp cần thiết để phòng và điều trị bệnh. Có nhiều tác nhân ảnh hưởng đến sự hấp thu, chuyển hóa và đào thải của thuốc, trong đó thức ăn là một trong những tác nhân quan trọng nhất. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào các thời điểm uống thuốc: trước, trong và sau bữa ăn hay bất kỳ thời gian nào trong ngày.
Khi chưa có thức ăn, thuốc chỉ lưu lại dạ dày trong một thời gian ngắn (khoảng 10-30 phút) rồi được tống xuống ruột, trong trường hợp dạ dày no: thuốc sẽ ở lại đây lâu hơn chừng 1-4 giờ, lúc này dịch vị và thức ăn có ảnh hưởng một cách nhất định đến công dụng của dược phẩm. Vậy khi nào chúng ta uống thuốc?
Uống vào bữa ăn: để tránh tác dụng gây lích ứng niêm mạc dạ dày, niêm mạc ruột dẫn đến buồn nôn, xuất huyết tiêu hóa đồng thời giảm tác dụng toàn thân nhưng hạn chế độc tính của các thuốc tác dụng tại lòng ruột (như các thuốc kháng viêm, giảm đau, các kháng sinh thuộc nhóm Quinolon, Quinin, Erythromycin, Sắt sunfat, Vitamin C...). Một số thuốc được thức ăn thúc đẩy sự chuyển hóa hấp thu như các thuốc tan nhiều trong mỡ: Griseofulvin; với thuốc tăng tiết dịch vị tiêu hóa như các loại rượu thuốc, nước khai vị, men tiêu hóa, các loại vitamin và muối khoáng nên uống trước bữa ăn khoảng 10-15 phút. Ngoài ra các thuốc hấp thu nhanh khi uống lúc đói sẽ tăng độc tính cũng như tác dụng phụ do nồng độ gia tăng đột ngột trong máu như: Seduxen, Levodopa, Levamizol... Uống cách xa bữa ăn: thường được chỉ định cho các loại thuốc kém bền trong môi trường dịch vị và bị phân hủy khi có thức ăn. Thực phẩm giàu đạm, quá mặn hay quá chua đều làm cản trở sự di chuyển của khối thức ăn từ dạ dày xuống ruột đặc biệt ở vị trí hấp thu tối ưu là ruột non, khi đó những thuốc kém bền dễ bị dịch vị cũng như các chất có trong thức ăn phân hủy dẫn đến việc giảm hấp thu thuốc vào máu, mất tác dụng chữa bệnh. Những thuốc thuộc loại này thường phải uống xa bữa ăn, tức là nếu uống trước bữa ăn phải cách 1 giờ (Phosphalugel, Sucralfat...), uống sau bữa ăn phải cách 1,5-2 giờ (các thuốc trung hòa dạ dày: Antacid) và các loại Ampicilin, Penicilin, Lincomycin, Rifampicin, Paracetamol.
Do những tác dụng trên nên khi bác sĩ điều trị thường dặn dò bệnh nhân uống thuốc lúc no hay lúc đói. Tuy nhiên cũng có một số chế phẩm thuốc đặc biệt không bị thức ăn ảnh hưởng, có thể uống bất cứ thời điểm nào trong ngày như: các viên bao tan trong ruột (Diclofenac, Aspirin PH8 và Cloramphenicol, Theophylin, Spiramycin...
Điều quan trọng không phải thuốc nào là tốt nhất mà khi nào mới nên dùng thuốc, uống thuốc nhiều sẽ ảnh hưởng đến hai cơ quan chính của cơ thể là gan (cơ quan chuyển hóa) và thận (cơ quan bài tiết). Khi sử dụng kéo dài, thuốc cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa làm giảm hay tổn hại đến khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng của cơ thể, gây táo bón dẫn đến suy giảm sức khỏe. Trong mọi trường hợp, người sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc, khi nào cần uống thuốc phải dùng một lượng nước chừng 200ml là đủ.
DS. NGỌC HÒA |