Làm gì để có trí nhớ tốt?
17:45', 14/12/ 2003 (GMT+7)

Ai cũng muốn có trí nhớ tốt, nhớ dai, nhớ lâu, nhớ tất cả những gì đã tiếp nhận được trong đời. Thế nhưng thực tế cho thấy tuổi càng cao thì trí nhớ càng giảm. Khi tuổi cao, quá trình trao đổi chất thường bị rối loạn, trong các động mạch, kể cả động mạch ở não, diễn ra những biến đổi. Điều đó làm chậm việc truyền tín hiệu về hệ thần kinh trung ương. Quá trình thay đổi dần dần về mặt sinh lý sẽ kéo theo những biến đổi tâm lý, thể hiện ở sự rối loạn trí nhớ, nói trước quên sau.

Rối loạn trí nhớ biểu hiện rất khác nhau. Một số người luống tuổi cảm thấy để nhớ lại một sự kiện hoặc tên một người nào đó, họ phải tập trung tư tưởng và mất thời gian nhiều hơn so với khi còn trẻ. Một số người khác không thể nhớ lại cả những sự kiện quan trọng nhất.

Cho đến nay rất nhiều người vẫn cho rằng việc giảm trí nhớ ở người già là điều không thể tránh khỏi. Người ta lấy làm ngạc nhiên và khâm phục khi một cụ già vẫn còn nhớ được những sự kiện xa xưa. Nhưng cũng có nhiều nhà khoa học lại cho rằng điều đó thực ra chẳng có gì lạ. Trí nhớ ở người già không hoàn toàn kém dần. Việc giữ trí nhớ bình thường phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Tất nhiên, trước hết cần huy động đến mức tối đa lý trí và nghị lực. Bản thân tuổi già đã đòi hỏi mình phải kiểm tra và kiềm chế trước mọi việc.

Để củng cố trí nhớ, cần có các biện pháp phòng ngừa như chế độ làm việc nghỉ ngơi thích hợp. Hoạt động trí óc chỉ có hiệu quả cao nếu biết nghỉ ngơi. Theo các công trình nghiên cứu tâm - sinh lý mới nhất, không nên làm việc trí óc liên tục quá 3 giờ. Muốn tiếp tục làm việc trí óc có hiệu quả cao cần phải nghỉ ngơi bằng cách thay đổi hoạt động. Có người cho rằng, nghỉ ngơi có nghĩa là không làm bất cứ việc gì, nằm dài trên giường hay ngồi trên chiếc ghế. Không phải như vậy. Đó là thứ nghỉ ngơi thụ động, không có lợi cho trí nhớ. Cần phải nghỉ ngơi theo cách tích cực. Nghỉ ngơi bằng cách tham gia vào một hoạt động mà mình yêu thích. Chẳng hạn, chơi đàn, chơi thể thao, hoặc tham gia tranh luận về một chủ đề thú vị... Sau một tuần làm việc căng thẳng, nên đi nghỉ mát, câu cá, hoặc dạo chơi ra công viên, xem hát, xem phim, thăm viện bảo tàng, triển lãm...

Người già thích nghỉ ngơi bằng cách đọc sách, đó là điều bình thường. Song cần phải nhớ kỹ rằng, nằm đọc là vô cùng có hại. Không những chỉ hại cho thị lực, mà còn đặc biệt hại cho trí nhớ vì não bộ không được cung cấp đầy đủ máu. Không nên cố nhớ tất cả các thông tin có thể dễ dàng tìm kiếm trong các từ điển, sách tra cứu. Người già nên ghi vào sổ tay tất cả những việc cần làm trong ngày để dễ dàng kiểm tra. Không nên bắt não bộ phải cố nhớ tất cả những điều vặt vãnh.

Mọi người đều cần nghiêm ngặt tuân theo chế độ ăn uống. Song đối với người già lại cần phải chú ý đặc biệt. Năm tháng trôi qua, các chức năng của cơ thể giảm dần. Bởi vậy phải đặc biệt chú ý ăn uống hợp lý, khẩu phần thích hợp, tôn trọng nguyên tắc "ăn gì, ăn bao nhiêu, ăn lúc nào".

Bên cạnh đó, từ lâu mọi người đã biết rằng có những loại đồ ăn, thức uống rất hại cho trí nhớ, chẳng hạn như rượu. Để hoàn thiện trí nhớ, cần phải luyện tập. Với những người nhớ tốt các thông tin nghe được nhưng lại không nhớ tốt các thông tin nhìn, thì việc rèn luyện cần phải tăng cường khả năng tiếp nhận thông tin bằng thị giác. Tất nhiên việc hoàn thiện trí nhớ phải được tiến hành từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chứ không phải đợi tới tuổi già. Đấy cũng chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các trường học.

TÚ ÂN

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hoa quả không thể thay thế cho rau xanh  (12/12/2003)
Khi sự cố xảy ra với trẻ  (11/12/2003)
Hậu quả do thiếu hoặc thừa vitamin A   (10/12/2003)
Tám lời khuyên cho người tái hôn  (09/12/2003)
Những dấu hiệu sớm của ung thư đại tràng  (08/12/2003)
10 tính cách không tốt trong quan hệ vợ chồng  (07/12/2003)
Cam quýt giúp ngăn ngừa ung thư  (05/12/2003)
Âm nhạc có thể điều trị bệnh viêm khớp   (04/12/2003)
Uống thuốc vào lúc nào?  (03/12/2003)
Bước vào mùa đông  (02/12/2003)
Sống tích cực là lối thoát đối với người nhiễm HIV/AIDS  (01/12/2003)
Mô hình giáo dục phòng, chống AIDS cho ngư dân: Một đáp ứng đúng lúc   (30/11/2003)
Quế có ích cho bệnh nhân tiểu đường  (28/11/2003)
Ho - Các triệu chứng và cách điều trị   (27/11/2003)
Bệnh AIDS: Phòng là chính  (26/11/2003)