Đề phòng nhiễm giun lươn do tiếp xúc với đất
17:48', 3/3/ 2003 (GMT+7)

Ấu trùng của loại giun này dễ dàng chui qua da rồi đi vào các cơ quan trong cơ thể nếu ta hay đi chân đất, làm việc hoặc chơi các trò có tiếp xúc với đất. Ấu trùng có nhiều trong những vùng đất ẩm, không ngập nước, có bóng râm quanh năm, vùng mà người dân có thói quen đi tiêu bữa bãi.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng, Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh - Vi nấm học (Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TP HCM), cho biết, các vùng dịch tễ của giun lươn tại khu vực phía Nam là TP HCM (Củ Chi, Thủ Đức, Hóc Môn), Long An, Bình Dương, Sông Bé... Bà Hồng cũng cho biết, giun lươn (Strongyloides stercoralis) phát triển trong cơ thể người theo chu trình sau: Ấu trùng giai đoạn 2 xâm nhập cơ thể qua da khi ta tiếp xúc với đất bẩn, rồi theo đường máu di chuyển đến phổi, phế quản, khí quản. Sau đó, ấu trùng vào yết hầu, thực quản và được nuốt vào ống tiêu hóa, phát triển thành giun trưởng thành. Giun bám vào màng nhầy ruột non và đẻ trứng. Trứng nở ra ấu trùng giai đoạn 1 rồi ấu trùng giai đoạn 2, theo phân ra ngoài.

Bệnh giun lươn được chia thành 2 dạng:

1. Dạng mạn tính, không biến chứng: Gặp ở người bình thường, không suy giảm miễn dịch. Bệnh nhân hầu như không có triệu chứng. Các biểu hiện có thể gặp gồm:

- Ở da: Có những đường ngoằn nghèo (thường là ngang thắt lưng, quanh hậu môn) do ấu trùng di chuyển. Các vết bầm máu (kích thước khoảng 3-4 cm) rải rác ở các chi, thân mình. Nổi mề đay.

- Đường tiêu hóa: Đau bụng, tiêu chảy, ngứa hậu môn, sụt cân nhẹ.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể ho, viêm phổi (X- quang phổi có vùng thâm nhiễm), viêm đa khớp, đau cơ. Có trường hợp tìm thấy ấu trùng giai đoạn 1 trong nước tiểu.

2. Dạng nặng, có biến chứng: Gặp ở người bị suy giảm miễn dịch. Mức độ bệnh tùy thuộc mật độ nhiễm và cơ quan bị ký sinh, bệnh nhân có kèm nhiễm khuẩn phụ hay không. Ký sinh trùng có thể tàn phá cơ thể, gây tắc ruột, viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết.

Tùy theo vị trí ký sinh của ấu trùng trong cơ thể, bệnh nhân sẽ có những hiểu hiện lâm sàng khác nhau ở những cơ quan tương ứng. Do vậy, việc chẩn đoán phải dựa vào xét nghiệm huyết thanh miễn dịch học.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng khuyên rằng, để đề phòng nhiễm giun lươn, cần hạn chế tiếp xúc với đất, nên xây dựng hố xí hợp vệ sinh, tránh đi tiêu bừa bãi.

. (Tuổi Trẻ)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chuột máy tính có thể gây hại cho bàn tay và cổ  (03/03/2003)
Đi xe đạp làm giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ  (21/02/2003)
Sử dụng aspirin thế nào để giảm áp huyết ?  (21/02/2003)
Rau ngải, món ăn, vị thuốc  (21/02/2003)
Dầu cá làm giảm viêm khớp  (21/02/2003)
Một số biện pháp khắc phục chứng hay quên   (21/02/2003)
Test Sức khoẻ - Đời sống  (01/03/2003)