Không ít người ở tuổi này cậy mình khỏe nên không biết gìn giữ, ốm đau cũng mặc kệ, khi đi khám thì bệnh đã nặng, cơ thể ở giai đoạn xế chiều không còn đủ sức chống đỡ. Các bác sĩ cho rằng, ở tuổi trung niên, con người càng cần lưu tâm đến sức khỏe, nên định kỳ đi khám, đến bác sĩ ngay khi có dấu hiệu khả nghi.
Sau đây là một số nguyên tắc giữ gìn sức khỏe khác ở người trung niên:
1. Không lao động quá mức
Người ở tuổi trung niên mang trên vai gánh nặng của gia đình và công tác xã hội. Nếu không biết sắp xếp hợp lý thời gian làm việc và nghỉ ngơi, chức năng của các cơ quan trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng.
2. Uống rượu bia vừa phải
Ở tuổi trung niên, việc uống mỗi bữa 1 chén con rượu bổ hoặc rượu nho (hay 1 cốc bia, 1 bát con cơm rượu nếp cẩm) giúp tiêu trừ sự mệt mỏi sau buổi lao động vất vả, kích thích ngon miệng, đẩy mạnh tuần hoàn huyết dịch. Tuy nhiên, nếu uống nhiều và thường xuyên, bia rượu sẽ làm tổn thương gan và tim mạch.
Nước trà tuy có ích nhưng cũng không nên uống quá nhiều, quá đặc, không uống ngay trước và sau bữa ăn.
3. Không ăn quá no
Việc ăn quá no (nhất là vào bữa tối) sẽ gây các bệnh dạ dày và ruột. Nếu muốn khỏe mạnh, sống lâu, cần ăn điều độ.
Về việc giữ gìn sức khỏe, Khổng tử cũng từng khuyên: "Ở tuổi thiếu niên, khí huyết chưa đầy đủ, ổn định, không nên sa đà vào nữ sắc. Khi đến tuổi tráng niên, khí huyết đã dồi dào, sung mãn, cần kiêng phí sức vào các cuộc tranh đoạt quyền lực, ganh đua hiếu thắng. Còn khi đã về già, khí huyết suy yếu, cần kiêng làm việc quá sức hoặc có những đòi hỏi vượt quá khả năng của mình, nên sống độ lượng, khoan dung cho thanh thản lúc cuối đời". Quan niệm này cũng khá gần gũi với y học hiện đại.
. BS Ngô Quang Thái (Nông Nghiệp Việt Nam) |