Thuốc điều trị cho người bệnh bảo hiểm y tế ngày càng được cải thiện
17:28', 12/3/ 2003 (GMT+7)

Một ca phẫu thuật

Trong cơ cấu chi phí điều trị cho người bệnh nói chung và người bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) nói riêng, chi phí tiền thuốc (bao gồm cả máu và dịch truyền) chiếm tỷ trọng lớn: 61% ở tuyến tỉnh và 70-72% ở tuyến huyện. Tỷ lệ này phản ánh tầm quan trọng của thuốc trong công tác điều trị.

Thực trạng sử dụng thuốc trong điều trị

Chi phí điều trị cho người bệnh BHYT cấu thành từ ba khoản chi phí, đó là: chi phí cho thuốc (bao gồm cả máu và dịch truyền), chi phí cho xét nghiệm các loại và trả tiền giường; trong đó chi phí cho thuốc luôn chiếm tỷ trọng cao nhất. Theo số liệu thống kê, trong hai năm gần đây, tỷ trọng chi phí tiền thuốc khám chữa bệnh BHYT trên tổng chi phí điều trị ở tuyến tỉnh là 61%, tuyến huyện từ 70-72% và tính chung cả hai tuyến khoảng 60-63%. Tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tỷ lệ sử dụng thuốc trong điều trị nội trú cao hơn rất nhiều so với khám chữa bệnh ngoại trú, như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tỷ trọng tiền thuốc trên tổng chi phí điều trị nội trú năm 2002 là 68,8%, trong khi tỷ lệ này ở mảng ngoại trú chỉ có 51%; hay Bệnh viện Đa khoa TP Quy Nhơn, tỷ trọng tiền thuốc trong điều trị nội trú là 64,5%, trong khám chữa bệnh ngoại trú chỉ có 33,9%. Ngược lại, tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, tỷ lệ sử dụng thuốc khám chữa bệnh ngoại trú lại cao hơn nhiều so với điều trị nội trú, tỷ lệ sử dụng thuốc cho điều trị nội trú từ 50-54%, trong khi ở mảng khám chữa bệnh ngoại trú tỷ lệ này lên đến 80-85%, cá biệt có những Trung tâm y tế huyện lên đến trên 90%, như: Trung tâm y tế huyện Tuy Phước 90,6%, Trung tâm y tế huyện Vân Canh 91,1%.

Trên cơ sở danh mục thuốc do Bộ Y tế quy định, các cơ sở khám chữa bệnh lập danh mục thuốc sử dụng cho đơn vị theo tuyến chuyên môn kỹ thuật và trình Sở Y tế (có thông qua cơ quan BHYT tỉnh) phê duyệt trước khi đưa vào thực hiện. Những năm gần đây, chi phí thuốc phục vụ bệnh nhân BHYT ở Bình Địnhngày càng tăng: năm 2002 tăng 32,1% so với năm 2001. Chi phí tiền thuốc tính bình quân trên một bệnh nhân điều trị nội trú và khám chữa bệnh ngoại trú cũng tăng: năm 2001 chi phí thuốc trên một đợt điều trị nội trú là 107.150 đồng, ngoại trú là 10.489 đồng; năm 2002 các chi phí này tăng lần lượt lên 125.730 đồng và 12.106 đồng. Bệnh viện Đa khoa tỉnh có chi phí tiền thuốc trên một đợt điều trị nội trú cao nhất toàn tỉnh với 371.996đ/đợt. Trong nỗ lực nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh, trong 2 năm gần đây, Bộ Y tế đã hai lần ban hành danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh theo hướng tăng danh mục, tăng hàm lượng, dạng dùng và tăng thuốc theo tuyến chuyên môn kỹ thuật. Theo danh mục của Bộ, các cơ sở khám chữa bệnh đã xây dựng lại danh mục thuốc theo hướng tăng về cơ số, hàm lượng, dạng dùng, tuyến chuyên kỹ thuật sử dụng… và theo đó người bệnh được sử dụng nhiều hơn các loại thuốc phù hợp.

Những tồn tại trong sử dụng thuốc

Thực tế giám định chi trả cho người bệnh BHYT cho thấy vẫn còn một số cơ sở khám chữa bệnh cho người bệnh mua ngoài các loại thuốc có trong danh mục thuốc mà các cơ sở có trách nhiệm cung ứng không để bệnh nhân tự mua, phổ biến là các bệnh viện tuyến tỉnh. Việc để bệnh nhân mua thuốc ngoài có giá cao, trong khi chất lượng lại chưa được kiểm chứng, người bệnh không thể phân biệt đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả và đâu là thuốc không đảm bảo chất lượng… Bác sĩ Nguyễn Đức Anh, Phó phòng giám định chi Bảo hiểm xã hội tỉnh, cho biết: “…việc một số cơ sở khám chữa bệnh cho bệnh nhân mua thuốc ngoài là do cơ sở khám chữa bệnh không dự trữ đủ cơ số thuốc theo danh mục hoặc do cơ sở khám chữa bệnh lo ngại vượt trần điều trị nội trú…”. Mặt khác, theo ý kiến của bác sĩ Hà Thúc Chí, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, vẫn còn một số cơ sở khám chữa bệnh sử dụng cùng lúc từ 2 đến 3 loại danh mục thuốc, trong đó có danh mục dùng cho bệnh nhân thu viện phí, danh mục dùng cho bệnh nhân BHYT…

Thực tế giám định khám chữa bệnh BHYT còn cho thấy có một số chỉ định điều trị còn lạm dụng việc dùng các loại thuốc đắt tiền chưa thật cần thiết, hay dùng các loại thuốc ngoại, trong khi thuốc trong nước sản xuất có cùng tính năng và công dụng lại chưa được dùng đến.

Chú trọng sử dụng thuốc điều trị người bệnh BHYT

Với việc ban hành danh mục thuốc chủ yếu, Bộ Y tế đã tạo một cơ sở pháp lý thuận lợi để các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị mình. Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh, cần chú trọng việc sử dụng thuốc trong điều trị, đảm bảo sử dụng thuốc phục vụ người bệnh an toàn, hợp lý và kinh tế. Để làm được điều này, trước hết các cơ sở khám chữa bệnh phải xây dựng một danh mục thuốc thống nhất, dùng chung cho tất cả các đối tượng bệnh nhân. Các cơ sở khám chữa bệnh cần dự trữ đúng cơ số thuốc theo danh mục thuốc đã được phê duyệt trên cơ sở tiên lượng mô hình bệnh tật và số bệnh nhân vào điều trị, nhằm hạn chế tối đa các trường hợp để người bệnh phải mua thuốc bên ngoài. Qua đó, đảm bảo đầy đủ các quyền lợi cho người bệnh nói chung và người bệnh có thẻ BHYT nói riêng.

. Minh Nam

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cách xoa bóp và thư giãn để giảm căng thẳng thần kinh   (11/03/2003)
12 bí quyết giúp nam giới khỏe mạnh  (10/03/2003)
Các nguyên tắc ăn uống để giữ gìn sức khỏe  (10/03/2003)
Môi trường làng nghề ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe   (09/03/2003)
Các phương pháp bảo vệ sức khỏe tuổi trung niên  (07/03/2003)
Chữa mồ hôi tay bằng phương pháp nội soi  (06/03/2003)
Đi tìm thuốc trường thọ  (05/03/2003)
Đàn ông hãy cẩn thận với ung thư... tinh hoàn  (05/03/2003)
Một số bí quyết để giảm cân  (04/03/2003)
Đề phòng nhiễm giun lươn do tiếp xúc với đất  (03/03/2003)
Chuột máy tính có thể gây hại cho bàn tay và cổ  (03/03/2003)
Đi xe đạp làm giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ  (21/02/2003)
Sử dụng aspirin thế nào để giảm áp huyết ?  (21/02/2003)
Rau ngải, món ăn, vị thuốc  (21/02/2003)
Dầu cá làm giảm viêm khớp  (21/02/2003)