Tại nước ngoài, các nhà tâm lý bắt đầu sử dụng đến thuật ngữ “cyber-dependance”, nghĩa là lệ thuộc vào trò chơi vi tính, để cảnh báo mọi người về những hậu quả xấu của nó Theo thông tin trên tạp chí Science et Vie Junior số tháng 2-2003, những trường hợp “nghiện trò chơi vi tính” đầu tiên được phát hiện tại Mỹ vào năm 1995. Ở Pháp, từ cuối năm qua, có khoảng 15 thanh thiếu niên đã được gia đình gửi vào Trung tâm Y khoa Marmottan để... cai nghiện trò chơi vi tính hẳn hoi! Đặc điểm chung của những “bệnh nhân” này là lệ thuộc quá mức vào các trò chơi vi tính. Khi ý thức về “căn bệnh” của mình, họ thừa nhận nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài thì không thể nào ngừng chơi, không khác gì... nghiện ma túy!
Trước Tết âm lịch, trong một tập phim của loạt phim Chú chó Tubô chiếu trên đài VTV3, các tác giả đề cập đến chuyện 3 thiếu niên nghiện một trò chơi xấu đến mức trở thành kẻ bạo lực, hung hăng, thậm chí sát nhân. Khảo sát từ tháng 11-2001 đến tháng 1-2002 của hai sinh viên Bùi Công Thành và Lê Thoại Quyên (Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM) trên 778 học sinh cấp 3 nội thành cho thấy 23,4% học sinh nam từng trốn học (nữ 19,5%), 15,6% đua xe trái phép (6,8%), 11,6% gây rối trật tự công cộng (1,4%), 10,1% đánh nhau bằng vũ khí (0,6%), 3,0% cố ý tự gây hại (3,0%). Liệu có mối liên quan nào giữa những hành vi này và các trò chơi vi tính xấu? Trong khi chờ có thêm nhiều cuộc khảo sát để trả lời, có một điều chắc chắn là việc phung phí thời gian vào các trò giải trí này ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất học tập và làm việc.
Riêng đối với sức khỏe, việc ngồi nhiều trước màn hình máy tính ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của mắt. Theo chuyên viên khúc xạ Trần Hoài Long, Khoa Khúc xạ - Bệnh viện Mắt TPHCM, khi chơi trò chơi vi tính, chủ yếu chúng ta sử dụng màn hình máy tính hay tivi, điều này dẫn đến mệt mỏi thị giác nếu khúc xạ không được điều chỉnh hoặc điều chỉnh không đúng (gây mỏi mắt, nhức mắt, nhức đầu) hoặc nếu môi trường ánh sáng trong phòng không bảo đảm (quá sáng hoặc quá tối). Đối với trẻ em, với chương trình học căng thẳng như hiện nay, nếu sau giờ học lại giải trí bằng trò chơi vi tính thì sớm muộn gì cũng bị cận thị hoặc tăng độ cận. Ngồi nhiều cũng có hại đến thể trạng. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, giải thích: “Ngồi nhiều trước máy tính dẫn đến giảm hoạt động, tiêu hao năng lượng giảm đi và như thế dễ bị béo phì. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy trẻ nào ngồi trước màn hình hơn 1 giờ/ngày đều có nguy cơ béo phì cao hơn những trẻ ngồi dưới 1 giờ. Thừa cân lại dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, xơ vữa động mạch. Mặt khác, việc ngồi lâu lại khiến người ta tiếp cận với thức ăn dễ hơn”.
(Theo Người Lao động) |