Bộ Y tế vừa thành lập Ban đặc nhiệm Phòng tránh dịch khẩn cấp để xem xét và xử lý hiện tượng có người bị cúm, nghi là do nhiễm một loại virus lạ. Đến thời điểm này, con số người có dấu hiệu mắc căn bệnh này đã thành 28, đều là nhân viên bệnh viện Quốc tế Việt Pháp.
Ban đặc nhiệm Phòng tránh dịch khẩn cấp gồm 16 thành viên, do Thứ trưởng Bộ Y tế, GS. Nguyễn Văn Thưởng làm Trưởng ban, GS. Hoàng Thuỷ Long -Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ làm Phó ban. Với các thành viên gồm nhiều chuyên gia vệ sinh dịch tễ, Ban đặc nhiệm này có nhiệm vụ khoanh vùng, bao vây, hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh; trước mắt là loại virus lạ mà các nhân viên BV Việt Pháp nhiễm phải. Các phương án điều trị tích cực cũng được Ban tính đến để tránh mọi trường hợp tử vong do dịch.
Các trường hợp nhiễm bệnh đã được cách ly
Ông Lý Quang Kính - Vụ trưởng Vụ Điều trị (Bộ Y tế) cho biết, 28 nhân viên BV Việt Pháp đều có các triệu chứng hắt hơi, số mũi, ho và đã được cách ly hoàn toàn khỏi cộng đồng. BV Việt Pháp đã ngừng tiếp nhận bệnh nhân ngay sau khi phát hiện nhân viên đầu tiên có các biểu hiện nhiễm virus lạ và vừa hoàn thành tẩy trùng toàn BV. Các điểm bệnh nhân cúm đầu tiên đến trong thời gian công tác tại Việt Nam đang được cơ quan y tế giám sát chặt chẽ.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thưởng -Trưởng Ban đặc nhiệm Phòng tránh dịch khẩn cấp, Bộ Y tế không loại trừ khả năng lây lan của thứ virus lạ này. Trong khi cúm là loại bệnh chưa có vaccine phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, những động tác chuẩn bị tích cực sẽ giúp ngành y tế dập tắt kịp thời dịch bệnh ngay từ lúc khởi phát.
Đến thời điểm này, ngành Y tế vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh cho các nhân viên BV Việt Pháp. Theo kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, đây có thể là virus cúm típ B (loại virus cúm thông thường vẫn tồn tại ở Việt Nam). Tuy nhiên, xét nghiệm của BV Việt Pháp lại cho kết quả một loại virus lạ giống loại từng gây dịch cúm tại Hong Kong hồi tháng 12/2002. Do chủng virus này có khả năng gây bệnh nặng hơn bình thường, Bộ Y tế đã cẩn thận đưa mẫu sang Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ và Nhật Bản kiểm tra. Kết quả xác định chủng virus gây bệnh cho các nhân viên BV Việt Pháp sẽ được gửi về từ đây trong vài ngày tới.
Thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
WHO cho biết, từ giữa tháng 2, WHO đã và đang tích cực làm việc để xác định những báo cáo về sự bột phát một hình thái viêm phổi nặng ở Việt Nam, Trung Quốc (bao gồm Khu hành chính đặc biệt Hongkong và tỉnh Quảng Đông).
Tại Việt Nam, sự bột phát bắt đầu từ một trường hợp được nhập viện để điều trị một hội chứng viêm phổi cấp, nặng, không rõ nguồn gốc. Nam bệnh nhân này cảm thấy không được khoẻ khi đi đường và bị ốm ngay sau khi rời Thượng Hải và Hongkong (Trung Quốc) để đến Việt Nam. Sau khi anh ta nhập viện, đã có khoảng 20 nhân viên của bệnh viện cũng bị ốm với những triệu chứng tương tự. Các dấu hiệu và triệu chứng của căn bệnh tại Hà Nội tương tự như bị cúm (sốt cao kèm theo đau cơ, đau đầu và đau họng). Đó là những biểu hiện phổ biến nhất. Kết quả xét nghiệm sớm cho thấy có sự giảm tiểu cầu và giảm bạch cầu. Một vài trường hợp có biểu hiện của viêm phổi cả 2 bên, một số thì tiến tới suy hô hấp cấp cần hỗ trợ bằng máy thở. Một số bệnh nhân sức khoẻ đang hồi phục, còn một số vẫn đang nguy kịch.
Ngày 13/3, Cơ quan y tế khu hành chính đặc biệt Hongkong đã báo cáo về sự bột phát bệnh hô hấp tại một trong những bệnh viện công lập của khu. Tính đến nửa đêm ngày 11-3, có 50 nhân viên được xét nghiệm và phát hiện 23 trường hợp bị sốt. Những người này được nhập viện để theo dõi, coi như đó là một biện pháp phòng ngừa. Trong nhóm này, 8 người đã có dấu hiệu bị viêm phổi qua chụp X quang. Tình trạng những người này hiện ổn định. Thêm 3 nhân viên y tế đã tự đến bệnh viện khi thấy sốt và 2 trong số họ phát hiện có dấu hiệm bị viêm phổi qua chụp X quang.
Cho tới nay, vẫn chưa pháp hiện được sự liên quan giữa các trường hợp này và cơn bột phát ở Hà Nội.
Theo báo cáo của chính phủ Trung Quốc, vào giữa tháng 2, đã xảy ra 305 trường hợp viêm phổi không điển hình , với 5 ca tử vong tại tỉnh Quảng Đông. Nhiễm trùng chlamydia được tìm thấy ở 2 thi thể bệnh nhân. Các cuộc điều tra về nguyên nhân của vụ bột phát đang được mở rộng.
Nói chung, các vụ bột phát ở Hà nội và Hongkong có vẻ chỉ khu trú trong môi trường bệnh viện. Những người có nguy cơ mắc bệnh cao là những nhân viên chăm sóc người bệnh.
Cho tới nay vẫn chưa tìm thấy mối liên quan giữa các vụ bột phát bệnh viêm phổi này ở Hà Nội và Hongkong với cơn bột phát “cúm gia cầm” (birdflu) AH5N1 được ghi nhận ngày 19/2 tại khu hành chính Hongkong.
. VietNamNet |