Vắc xin sởi được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng và được tiêm chủng một cách rộng rãi cho trẻ em dưới 1 tuổi trong nhiều năm đã góp phần làm thay đổi dịch tễ học bệnh sởi trên phạm vi toàn thế giới. Tỉ lệ mắc sởi và số vụ dịch giảm hẳn. Tuy nhiên, sởi vẫn là một trong số những nguyên nhân gây mắc và chết hàng đầu ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở những nước đang phát triển. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm trên thế giới có khoảng 36,5 đến 45 triệu trường hợp mắc và khoảng trên 1 triệu trường hợp chết do sởi. Một nửa số đó tập trung ở châu Phi và ở những nước duy trì 1 mũi vắc xin sởi. Trong khi đó, ở những nước đã triển khai lịch tiêm vắc xin sởi mũi 2 cho trẻ em, số mắc sởi giảm mạnh, thậm chí không có trường hợp sởi nào trong nhiều năm như các nước thuộc châu Mỹ La tinh, Cu ba…
Ở nước ta Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm 1985 đến nay và đã đạt được những thành quả to lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em. So với năm 1985, tỉ lệ mắc bệnh sởi trong năm 2000 đã giảm 6 lần. Tuy nhiên, từ năm 1997 trở lại đây, cũng như nhiều nước chỉ triển khai tiêm 1 liều vắc xin sởi duy nhất cho trẻ em dưới 1 tuổi, tình hình bệnh sởi ở nước ta diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Trong năm 1999 đã xảy ra 29 vụ dịch với 13.511 bệnh nhân; năm 2000 có 87 vụ dịch với 16.512 bệnh nhân; năm 2001 có 62 vụ dịch với 12.378 bệnh nhân… Nguyên nhân là do hàng năm còn có trẻ em dưới 1 tuổi chưa được tiêm chủng phòng bệnh sởi và cả số trẻ em được tiêm chủng nhưng không gây được miễn dịch bảo vệ phòng bệnh sởi. Năm 1999, ngành y tế đã chủ động triển khai thí điểm tiêm vắc xin phòng bệnh sởi mũi 2 cho toàn bộ trẻ em từ 9 tháng đến 10 tuổi tại TP Hải Phòng. Sau mũi tiêm thứ 2 này trong suốt năm 2000, TP Hải Phòng không có một trẻ em nào mắc sởi. Từ hiệu quả của đơn vị thí điểm, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 17/2001/CT-TTg ngày 20-7-2001. Theo đó, trong 2 năm 2002-2003 tổ chức triển khai “Chiến dịch quốc gia tiêm vắc xin sởi mũi 2” cho tất cả trẻ em từ 9 tháng đến 10 tuổi trên phạm vi toàn quốc, với sự giúp đỡ kinh phí của Chính phủ Nhật Bản. Từ Thừa Thiên Huế trở ra thực hiện trong quí I năm 2002 và từ Đà Nẵng trở vào thực hiện trong quí I năm 2003.
Ở Bình Định, từ năm 1997 trở lại đây bệnh sởi cũng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gần đây bệnh sởi đã thành dịch ở các huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn… Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn và các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, từ tháng 7-2002, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo triển khai “Chiến dịch tiêm vắc xin sởi mũi 2” đối với các ngành Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Văn hóa - Thông tin và các huyện, thành phố; củng cố “Ban chỉ đạo những ngày tiêm chủng mở rộng toàn quốc”.
“Chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi mũi 2” ở Bình Định tổ chức vào tháng 3-2003 với mục tiêu 100% trẻ từ 9 tháng tuổi đến 10 tuổi hiện đang có mặt tại địa phương (bao gồm cả trẻ vãng lai) được tiêm vắc xin sởi. Tất cả việc chuẩn bị triển khai chiến dịch đã được thực hiện từ tháng 5-2002, các công việc tập huấn cũng đã hoàn thành. Ngày 16-3, lễ phát động ra quân đã diễn ra ở 10 huyện; riêng TP Quy Nhơn tổ chức lễ phát động từ ngày 17-3.
Một chiến dịch quy mô và rầm rộ đã mở ra kéo theo sự quan tâm, nỗ lực của nhiều ngành, nhất là ngành Y tế, Giáo dục và của toàn xã hội. Hy vọng mục tiêu đặt ra sẽ đạt được, để bệnh sởi không còn là mối hiểm họa cho trẻ em.
. Quang Khanh |