Song song với sự phát triển kinh tế, ở nước ta các vụ thương tích do tai nạn (giao thông, lao động, thảm họa - thiên tai…) ngày càng gia tăng nhanh chóng. Số nạn nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của chúng đang là nỗi lo đối với toàn thể cộng đồng. Phải chăng, đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông báo động?
Báo động từ những con số
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có ít nhất 5,5 triệu người chết và gần 100 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, thảm họa thiên tai…. Đây là nguyên nhân xếp hàng thứ tư trong tổng số mười nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất, đe dọa đến cuộc sống con người. Trong đó, tai nạn giao thông luôn chiếm tỉ lệ cao nhất và gây tử vong nhiều nhất. Từ số liệu này, các nhà khoa học bắt tay vào làm một phép tính đơn giản: kết quả với số nạn nhân như vậy, mỗi năm các quốc gia phải tổn thất từ 5-6% tổng thu nhập quốc dân. Đó là chưa kể đến việc dôi thừa một lượng lớn người lao động không còn khả năng làm việc, trở thành gánh nặng cho người khác và để lại phía sau nhiều di chứng.
Tính từ thập niên 90 trở lại đây, tại các bệnh viện nước ta, số người vào viện và không ra viện từ nguyên nhân này cũng tăng lên đến chóng mặt. Bình quân, mỗi ngày có khoảng trên 30 người chết và 70 người bị thương. Do tốc độ hội nhập, đô thị hoá từ tỉnh thành xuống đến tận thôn xóm, Bình Định cũng như các tỉnh khác không thể nằm ngoài quy luật tất yếu là các cơ sở y tế thường xuyên ở vào tình trạng quá tải. Trên thực tế, bệnh viện tuyến dưới thường không đủ điều kiện vật chất tốt nhất để chăm sóc, nghiễm nhiên bệnh nhân đều dồn cả về bệnh viện tỉnh và bệnh viện đa khoa thành phố. Vì thế, những nơi này phải ở trong tình trạng sẵn sàng ứng phó kịp thời, thậm chí cái cảnh 2-3 người chia sẻ nhau một giường bệnh cũng không phải hiếm.
Năm 2002, riêng tai nạn giao thông, tai nạn lao động và ảnh hưởng của nhiệt, bệnh viện đa khoa tỉnh đã tiếp nhận hơn 600 bệnh nhân khám chữa bệnh. Trong đó, nhiều nhất là vẫn là tai nạn giao thông, chiếm tỉ lệ gần một nửa tổng số tai nạn. Cũng tại đây, thống kê từ 1-1 đến 31-1-2003 có đến 50 nạn nhân phải nhập viện trong tình trạng cơ thể bị chấn thương nặng. Điều đặc biệt làm đau đầu mọi người là đối tượng trẻ em dưới 15 tuổi bị thương tích do các tai nạn không phải là ít.
Nguyên nhân?
Hiện nay, cơ cấu sản xuất đang được chuyển hóa rõ rệt và diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên sự đồng hành chuyển đổi về ý thức kỷ luật lao động, tuân thủ nội quy an toàn giao thông, an toàn lao động của các cơ quan có thẩm quyền và phía người thực thi lại rất chậm chạp. Người có trách nhiệm ban hành không chặt chẽ trong các điều lệ, tạo nên nhiều kẽ hở cho người khác vi phạm. Đã vậy, công tác quản lý từ khâu điều hành đến khâu xử lý lại chưa đầy đủ và chặt chẽ. Trong khi đó, người bị quản lý hoặc vô tình phớt lờ hoặc cố ý lợi dụng để vượt quá xa quy định. Cứ thế, kẻ chạy-người đuổi bắt cùng song song tồn tại và cùng đổ lỗi nhau, mặc cho những chuyện đau lòng luôn xảy ra.
Đơn cử như việc thực hiện an toàn giao thông đường bộ và an toàn lao động trên địa bàn Bình Định nói riêng và cả nước nói chung. Trên các trục quốc lộ chính và khu vực thành phố, công cụ chốt giao thông lâu lâu mới thấy có người làm việc. Ấy là khi cộng đồng kêu ca về tần số xuất hiện liên tục của các vụ tai nạn xe cộ. Đến đây, ban ngành quản lý lại huy động, kết hợp với lực lượng khác tổ chức các đợt ra quân rầm rộ nhưng số liệu tổng kết cuối năm vẫn ở mức báo động. Hay công tác quản lý tai nạn lao động. Chúng ta vẫn chưa quên các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở TP HCM, Quảng Ninh cũng như một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở Bình Định trong những năm qua. Sự cố bắt nguồn từ việc nhiều địa phương vì thiếu thanh tra viên lao động nên chỉ tiến hành thanh tra lao động liên ngành mà không có các cuộc thanh tra an toàn-vệ sinh lao động. Mặt khác, cung cách xử lý các vụ việc vi phạm chưa nghiêm và chưa kịp thời, chưa tạo ra ý nghĩa răn đe, cảnh cáo. Nhiều người dân vừa là nguồn lao động nhưng cũng vừa là công cụ lệ thuộc của chủ sử dụng, nhất là doanh nghiệp sản xuất tư nhân. Vì thế, dù có hiểu được luật nhưng quyền lợi và an toàn người lao động vẫn không được đảm bảo.
Người quản lý đã thế, còn người dân thì sao? Các cơ quan thông tin đại chúng đã nói nhiều về những quy định trong đảm bảo an toàn và sức khỏe con người, đủ mọi hình thức tuyên truyền, mô hình giáo dục được trang bị từ cơ quan, trường học đến tận thôn xóm nhưng xem ra không hiệu quả. Trung bình một tháng, trường đào tạo nghiệp vụ giao thông vận tải cấp một loạt chứng nhận giấy phép lái xe nhưng trong ý thức không mấy người thực hiện những gì học thuộc. Hàng loạt cột đèn giao thông, pa nô, áp phích tuyên truyền không phát huy tác dụng, không ngăn cản được người điều khiển phương tiện mà phần đông là tầng lớp thanh niên. Trong khi đó, hầu hết người lao động đều xuất phát từ nông thôn làm thuê, không được đào tạo cơ bản, khi vào làm việc chỉ được hướng dẫn các thao tác cơ bản nên không lường hết các mối nguy hiểm. Nhưng đáng trách hơn, một số lao động đã được huấn luyện kỹ về an toàn lao động mà chủ quan, chạy theo năng suất, ý thức chấp hành kỷ luật kém….
Vấn đề chấn thương đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các tổ chức và cá nhân. Hàng loạt hội thảo, hội nghị được tổ chức nhằm đảm bảo sức khỏe và sự sống cho toàn thể cộng đồng nhưng suy cho cùng, đây vẫn là ý thức của mỗi cá nhân.
. Lê Thu Hiền |