Ở lằn ranh của sự sống và cái chết
16:40', 18/3/ 2003 (GMT+7)

Do tính chất đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống chết mong manh của những người bệnh tật hiểm nghèo nên Khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC) được xem là “tâm điểm” để đánh giá trình độ chuyên môn cũng như y đức của một bệnh viện.

Vì vậy, với 4 bác sĩ và 11 điều dưỡng viên thực sự là con số quá ít ỏi so với lượng công việc dày đặc mà Khoa HSCC – BVĐK TP Quy Nhơn phải đảm nhận: vừa đảm bảo công việc HSCC vừa kiêm nhiệm chạy thận nhân tạo và sắp tới sẽ triển khai thêm chạy tim nhân đạo. Trong khi đó, dù bệnh viện đã cố gắng đầu tư nhưng vẫn chưa có đủ trang thiết bị, máy móc kỹ thuật hiện đại cần thiết cho yêu cầu công việc. Thế nhưng, trong cái khó khăn, các y bác sĩ Khoa HSCC đã tích cực rèn luyện chuyên môn và cả ý chí vượt khó để thực hiện nhiệm vụ cứu người, giúp đời.

Những năm qua, số bệnh nhân vào điều trị ngày càng tăng với nhiều chứng bệnh hiểm nghèo về hô hấp và tim mạch. Năm 2002, chỉ tính riêng bệnh nhồi máu cơ tim, nơi đây đã đón nhận gần 30 ca trong tình trạng nguy kịch. Điều đáng nói là nhiều ca bệnh hết sức hiểm nghèo đã được cấp cứu kịp thời. Có ca tưởng như không qua nổi, gia đình đã chuẩn bị mọi thủ tục cuối cùng nhưng với tinh thần “còn nước còn tát”, các y bác sĩ của khoa đã đem lại sự sống cho họ.

Nguồn nhân lực mỏng, phải đảm trách nhiều việc nên thời gian là điều quí nhất đối với khoa. Chỉ tính sơ việc thực hiện một y lệnh của bác sĩ, các điều dưỡng phải làm việc liên tục từ 3 - 4 giờ đồng hồ trong khi bệnh nhân vẫn nhập viện tới tấp, người trước chưa khỏi bệnh đã có người khác vào. Mỗi người phải làm hết sức mình mới đảm bảo được tiến độ công việc. Vì thế, ngày nghỉ không còn là điều đáng quan tâm đối với các thầy thuốc ở đây nữa. Chị P.A tâm sự: “Với khoa, 12 giờ trưa và 8 giờ tối chưa ăn cơm là chuyện bình thường. Mà cũng vất vả lắm, đang ăn dở, có ca nhập viện, mọi người lại phải quay sang mổ thế là không sao ăn tiếp được nữa”.

Năm 2002, khoa đã thực hiện vượt mức chỉ tiêu 24% so với năm trước. Một con số đủ để minh họa cho tình trạng quá tải bệnh nhân. 12 giường cấp cứu không đủ nên chỉ vừa qua cơn nguy kịch, người bệnh buộc phải chuyển về các khoa khác. Bằng trách nhiệm và lòng nhiệt tình, các bác sĩ và điều dưỡng của khoa đã phần nào chia sẻ với bệnh viện đa khoa tỉnh. Những năm gần đây, khoa thường xuyên tiếp nhận nhiều ca bệnh đặc biệt đến từ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên... Có thể kể đến ca cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Đức Cường – Kon Tum. Ông Cường bị sốt rét có hiện tượng xuất huyết tiêu hóa, sau một vòng chuyển liên tục từ Bệnh viện Kon Tum xuống đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, cuối cùng phải về BVĐK TP Quy Nhơn tiến hành chạy thận nhân tạo trong điều kiện 90% là không cứu được, còn 10% để hi vọng... Hay như ca của cháu Nguyễn Hữu Hùng, 11 tuổi bị viêm nội tâm mạc bán cấp. Gia đình cháu rất nghèo nhưng bệnh lại chỉ nhạy cảm với thuốc đắt tiền. Không chịu bó tay, các y bác sĩ vận động bệnh viện cho ứng thuốc trước và điều trị trong 30 ngày thì cháu bé được cứu sống.

Chính khả năng chuyên môn và thái độ tận tình chăm sóc từng bệnh nhân của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng trong khoa đã ngày càng tạo thêm uy tín cho bệnh viện. Có thể nói, tập thể Khoa HSCC – TTYT Quy Nhơn đã làm hơn cả những gì họ phải làm.

. Lê Thu Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thương tích do tai nạn – đã đến lúc báo động  (17/03/2003)
Quyền trẻ em ngày càng được khẳng định  (16/03/2003)
Triệt để hơn, hiệu quả hơn với bệnh sởi  (16/03/2003)
Bộ Y tế thành lập Ban đặc nhiệm để ứng phó với bệnh cúm do virus lạ  (14/03/2003)
Làm gì khi con bạn béo phì?  (14/03/2003)
Xuất hiện biến thể mới của virus Code Red II và Yaha  (13/03/2003)
Khi nào nên bắt đầu lại quan hệ vợ chồng?  (13/03/2003)
Thật đơn giản để có làn da đẹp  (13/03/2003)
Nhiều tác hại từ chứng nghiện trò chơi vi tính!  (12/03/2003)
Người cầu toàn khó có hạnh phúc gia đình  (12/03/2003)
Lẩu điện và an toàn điện  (12/03/2003)
Ăn nhiều trứng có thể tránh ung thư vú  (12/03/2003)
Bệnh sởi  (12/03/2003)
Thuốc điều trị cho người bệnh bảo hiểm y tế ngày càng được cải thiện   (12/03/2003)
Cách xoa bóp và thư giãn để giảm căng thẳng thần kinh   (11/03/2003)