Năm 1999, Hội Y học cổ truyền xã Cát Lâm (Phù Cát) được thành lập và đến năm 2000, xã Cát Lâm được chọn làm xã điểm của tỉnh về xã hội hóa y học cổ truyền.
Với yêu cầu đặt ra để được công nhận xã hội hóa y học cổ truyền là có 100% số hộ gia đình trồng ít nhất từ 7 đến 15 loại cây thuốc, chữa 9 chứng bệnh thường gặp; Có ít nhất 2/3 số hộ gia đình biết cách day ấn, xoa bóp, bấm huyệt để trị một số chứng bệnh thường gặp và thực hiện được phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại chỗ”; “Tủ thuốc xanh” trong vườn nhà… Qua số liệu điều tra của Hội, hiện nay toàn xã có trên 80% số hộ gia đình đã trồng và sử dụng thuốc nam, riêng xóm dừa Thuận Hiệp, thôn Thuận Phong đã có 100% số gia đình trồng và sử dụng thuốc nam, bình quân mỗi hộ trồng từ 9 đến 15 loại cây thuốc. Anh Trần Thế Quyến – một người dân ở thôn Hiệp Long - cho biết, qua các đợt phát động phong trào trồng và sử dụng thuốc nam của Hội Đông y xã, gia đình anh cũng như nhiều bà con trong xã đã trồng nhiều loại cây thuốc nam, để vừa làm rau ăn, làm cảnh và chữa bệnh, nhất là bệnh cảm cúm, rất tiện lợi.
Về hoạt động của Tổ chẩn trị y học cổ truyền của xã, anh Lê Cảnh Xôn cho biết: Hàng ngày tổ chẩn trị phục vụ việc khám bệnh, hốt thuốc và điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc cho bệnh nhân theo lịch hoạt động của Trạm y tế xã. Hiện nay, tổ chẩn trị đang chăm sóc, thu hái và sử dụng trên 50 loại cây thuốc trong vườn thuốc nam của xã, với diện tích hơn 500m2.
Tính riêng trong năm 2002, Tổ chẩn trị y học cổ truyền xã Cát Lâm với 3 lương y đã khám và điều trị cho trên 360 lượt người mắc các bệnh như đau lưng, viêm khớp, ngoại cảm, thần kinh tọa và sử dụng trong năm hơn 300 thang thuốc, 2 kg thuốc bột và có nhiều bệnh nhân không phải dùng thuốc mà chỉ áp dụng phương pháp châm cứu, điện châm, thủy châm. Lương y Đinh Văn Tịnh cho biết thêm: Có nhiều trường hợp người bệnh đã sử dụng thuốc tây tự mua, nhiều ngày điều trị ở nhà không khỏi, đến đây một thời gian ngắn dùng thuốc nam, ít tốn tiền và lại mau khỏi bệnh. Ví dụ như ông Bùi Kiên, 79 tuổi, ở thôn Đại Khoan, bị bệnh ngoại cảm phong hàn, đã dùng thuốc tây nhiều ngày nhưng chưa khỏi, sau 3 ngày điều trị bằng thuốc nam vừa uống vừa xông, đã hết bệnh. Hoặc trường hợp của bà Lê Thị Cúc, 65 tuổi, ở thôn Long Định được chẩn đoán viêm thần kinh tọa bên phải, điều trị 12 ngày bằng phương pháp châm cứu và uống thuốc nam đã khỏi bệnh…
Trong thời gian tới, Hội Đông y xã Cát Lâm sẽ mở rộng thêm vườn thuốc nam tại Trạm y tế và các vườn thuốc nam mẫu trong nhân dân, tăng cường thu hái dược liệu sẵn có tại trạm và tại địa phương để bổ sung thêm lượng thuốc điều trị bệnh nhân, củng cố lại phòng chẩn trị để hoạt động được tốt hơn, nhằm góp phần chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong xã.
. Văn Thông |