Đan sâm ẩm – một loại trà dược quý
16:40', 20/3/ 2003 (GMT+7)

Đan sâm, vị thuốc rất có giá trị về phương diện huyết mạch, đặc biệt là công dụng hoạt huyết khứ ứ.

Theo y thư cổ, Đan sâm vị đắng, tính hơi lạnh, vào được hai kinh tâm và can, có công dụng hoạt huyết khứ ứ, tiêu thũng, chỉ thống, lương huyết dưỡng huyết và an thần; thường được dùng để chữa các bệnh của Đông y do huyết ứ gây nên như thống kinh, bế kinh, kinh nguyệt không đều, tâm thống, hung hiếp thống, quản phúc thống, phong thấp tý thống, ung thư thũng thống, tâm quý chính xung, trật đả thương tổn…

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, với thành phần chủ yếu gồm Tan hinone I, IIA và IIB, Cryptotan hinone, Salvianolic acid A, B và C, Tan hi-quinone… Đan sâm có tác dụng dược lý khá phong phú:

- Làm giãn và tăng lưu lượng động mạch vành, phòng chống tích cực tình trạng thiếu máu và hoại tử cơ tim, làm chậm nhịp tim.

- Cải thiện vi tuần hoàn, nâng cao sức chịu đựng của tế bào não và cơ tim trong điều kiện thiếu oxy.

- Chống đông máu, ức chế chức năng tiểu cầu và ổn định màng hồng cầu.

- Điều chỉnh rối loạn lipid máu: làm giảm cholesterol và triglycexid; ức chế và làm chậm quá trình hình thành các mảng xơ vữa động mạch.

- Bảo vệ và thúc đẩy sự tái sinh của tế bào gan, bảo vệ và chống tình trạng loét niêm mạc dạ dày, cải thiện công năng thận và dự phòng cơn hen tái phát.

- Ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn coli, lỵ và thương hàn.

- Nâng cao năng lực miễn dịch, chống thương tổn do phóng xạ, thanh trừ và ức chế sự hình thành các gốc tự do, thúc đẩy quá trình lên sẹo vết thương.

- Trấn tĩnh và chống co giật.

Trên cơ sở nghiên cứu dược lý này, người ta đã dùng Đan sâm và các chế phẩm của nó để điều trị khá nhiều bệnh theo y học hiện đại như viêm gan, viêm thận cấp và mạn tính, hen phế quản, viêm thần kinh ngoại vi do đái đường, đau dây thần kinh tam thoa, đau đầu do mạch máu, ù tai do nguyên nhân thần kinh, mụn nhọt… và đặc biệt là các bệnh lý tim mạch như thiểu năng tuần hoàn não, tai biến mạch máu não, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành, xuất huyết võng mạc, viêm động tĩnh mạch…

Hiện nay, người ta còn ứng dụng công nghệ hiện đại để sản xuất và đưa vào xử dụng Đan sâm với hình thức dịch tiêm truyền, viên nén, viên nang, trà tan…Tuy nhiên các dạng thuốc này đều khá phức tạp, khó chế, khó dùng và đắt tiền. Bởi vậy, việc chọn dùng Đan sâm dưới một dạng thuốc tương đối dân dã, dễ chế, dễ dùng và rẻ tiền mà vẫn giữ được tác dụng ở một mức độ đáng kể là điều hết sức cần thiết.

Đan sâm ẩm, một loại trà dược được ghi trong sách Trung Quốc dược thiện học, đáp ứng những yêu cầu này, cách chế như sau:

Đan sâm 6g rửa sạch, thái mỏng rồi hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 – 20 phút có thể dùng được, uống thay trà trong 1 ngày. Nên dùng loại trà dược này với mục đích dự phòng tích cực, điều trị hỗ trợ hoặc điều trị duy trì cho những bệnh đã nêu ở trên. Khi uống, nếu bị đi lỏng thì có thể sao qua Đan sâm trước khi dùng hoặc cho thêm vào ấm trà vài lát gừng tươi. Riêng đối với bệnh lý động mạch vành tim, để nâng cao hiệu quả trị liệu có thể phối hợp Đan sâm với một số vị thuốc hoạt huyết khác như Đàn hương, Tam thất, Hồng hoa, Nguyệt lý hoa …Ví dụ: Đan sâm 15 g, Tam thất 100 g, hai thứ tán vụn, mỗi ngày dùng 10 g bọc trong túi vải, hãm uống thay trà hoặc Đan sâm 9 g, trà búp 3 g, hai thứ tán vụn hãm uống thay trà trong ngày. Lưu ý, Đan sâm ẩm không được dùng cho phụ nữ có thai và những người không có hội chứng huyết ứ.

. Th.s Hoàng Khánh Hiển

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ăn ít giúp trí não người già khỏe mạnh  (19/03/2003)
Bệnh thủy đậu  (19/03/2003)
Bài tập thể dục để làm tan lớp mỡ ở bụng  (19/03/2003)
Tác hại của môi trường lao động đến tim mạch  (19/03/2003)
Trung tâm da liễu: Nỗ lực phòng chống bệnh phong  (19/03/2003)
Xã hội hóa y học cổ truyền ở xã Cát Lâm  (18/03/2003)
Ở lằn ranh của sự sống và cái chết  (18/03/2003)
Thương tích do tai nạn – đã đến lúc báo động  (17/03/2003)
Quyền trẻ em ngày càng được khẳng định  (16/03/2003)
Triệt để hơn, hiệu quả hơn với bệnh sởi  (16/03/2003)
Bộ Y tế thành lập Ban đặc nhiệm để ứng phó với bệnh cúm do virus lạ  (14/03/2003)
Làm gì khi con bạn béo phì?  (14/03/2003)
Xuất hiện biến thể mới của virus Code Red II và Yaha  (13/03/2003)
Khi nào nên bắt đầu lại quan hệ vợ chồng?  (13/03/2003)
Thật đơn giản để có làn da đẹp  (13/03/2003)