Các nhà nghiên cứu Mỹ vừa tìm ra một phương pháp chọc thủng hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể, đưa gene cũng như thuốc vào não bộ. Bước đột phá này hứa hẹn mở ra hướng điều trị một loạt các chứng rối loạn não chẳng hạn như bệnh Parkinson.
Não được bảo vệ bằng một lớp màng. Lớp màng này được hình thành bởi sự liên kết chặt chẽ giữa các tế bào lót mạch máu. Nó được gọi là hàng rào máu-não, được tạo ra để đảm bảo não tránh được sự tấn công của các chất lạ tuần hoàn trong máu. Chỉ có một vài phân tử được thụ thể tế bào cho phép đi qua.
Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc giới khoa học không thể đưa các gene hoặc thuốc vào trong não, trừ khi họ tiêm trực tiếp vào mô não. Tiêm gene hoặc thuốc vào mô não cũng không đảm bảo sự phân bố đồng đều. Một nhóm chuyên gia thuộc Đại học California đã có giải pháp cho vấn đề trên.
Họ có thể đưa gene vượt qua hàng rào máu - não bằng cách giấu chúng trong các vi thể mỡ (liposome). Những vi thể mỡ này được phủ một loại polymer có tẩm kháng thể giống với các kháng thể mà hệ miễn dịch tạo ra để chống lại bệnh tật. Sự hiện diện của kháng thể đánh lừa thụ thể tế bào, khiến thụ thể cho phép vi thể mỡ đi qua. Như vậy, vi thể mỡ có thể ''giao hàng'' cho tế bào não.
Ban đầu nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm kỹ thuật trên ở chuột song sau đó họ thấy có kết quả tốt hơn ở khỉ rhesus. Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng cho người. Dường như vi thể mỡ không gây tác dụng phụ độc hại.
Trong các cuộc thử nghiệm, tình hình của chuột có triệu chứng Parkinson được cải thiện rõ rệt sau khi nhóm nghiên cứu tiêm vi thể mỡ chứa gene thúc đẩy quá trình tạo một enzyme quan trọng. Các cuộc thử nghiệm riêng rẽ khác trên chuột cho thấy vi thể mỡ cũng có thể mang những loại thuốc phong toả sự phát triển của u não.
. VietNamNet
|