Những điều cần biết về chứng vàng da ở trẻ sơ sinh
17:34', 25/3/ 2003 (GMT+7)

Đây là triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh, xảy ra ở 9% số trẻ đủ tháng. Ở trẻ sinh non, tỷ lệ vàng da là 30%. Vàng da sinh lý không nguy hiểm, thường tự mất sau một thời gian ngắn; còn vàng da bệnh lý có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Sau đây là giải đáp cho một số câu hỏi về bệnh vàng da:

1. Vì sao trẻ sơ sinh dễ bị vàng da?

Phần lớn trẻ sơ sinh có biểu hiện vàng da trong vòng 1 tuần sau khi ra đời. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, xảy ra do các hồng cầu của thai nhi bị phá hủy để được thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Khi hồng cầu bị vỡ, một lượng lớn Bilirubin - một chất có sắc tố màu vàng - được phóng thích vào máu, làm cho trẻ bị vàng da.

2. Vàng da sơ sinh có nguy hiểm không?

Đa số các trường hợp vàng da ở trẻ sơ sinh đều nhẹ và tự khỏi sau 7-10 ngày, khi chất Bilirubin được đào thải hết qua phân và nước tiểu. Tuy nhiên, có một số trường hợp vàng da nặng do chất Bilirubin tăng quá cao và thấm vào não (y học gọi là vàng da nhân). Tình trạng này rất nguy hiểm, có thể làm cho trẻ bị hôn mê, co giật, dẫn đến tử vong hoặc di chứng về tâm thần vận động vĩnh viễn.

3. Làm thế nào để phát hiện vàng da?

Chứng vàng da rất dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Vì vậy, hằng ngày, các bà mẹ cần quan sát màu da toàn thân của trẻ ở nơi sáng. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hồng hoặc đen), nên ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ trong vài giây, sau đó buông ra; nếu trẻ bị vàng da, nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt. Khi trẻ có biểu hiện nghi là vàng da, cần đưa đến bác sĩ để kiểm tra.

Vàng da được chia thành 2 mức độ:

- Nhẹ: Da hơi vàng ở mặt, thân mình; trẻ vẫn bú tốt; hoặc vàng da xuất hiện muộn, sau ngày thứ ba.

- Nặng: Da vàng sậm, lan xuống tay, chân; trẻ bú kém, bỏ bú; hoặc vàng da xuất hiện sớm, trong vòng 1-2 ngày sau sinh. Những trẻ sinh non, nhiễm trùng, sinh ngạt dễ bị vàng da nặng.

4. Làm gì khi trẻ bị vàng da?

Đối với trường hợp nhẹ, có thể điều trị tại nhà bằng cách tắm nắng. Đặt trẻ gần cửa sổ, nơi có ánh nắng dịu của mặt trời (vào khoảng 8-8h30 mỗi sáng, lúc trời không quá nóng hay quá lạnh). Cho trẻ bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh chất Bilirubin qua đường tiêu hóa. Cần theo dõi diễn tiến của chứng vàng da mỗi ngày trong vòng 7-10 ngày sau sinh.

Trẻ bị vàng da nặng cần được nhập viện ngay để được điều trị tích cực bằng các phương pháp sau:

- Chiếu đèn: Ánh sáng của đèn biến Bilirubin thành chất không độc và được thải nhanh ra khỏi cơ thể qua đường tiêu hóa, đường tiểu.

- Thay máu: Lấy bớt chất Bilirubin ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng.

5. Lúc nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Hãy đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khi có một trong các dấu hiệu sau:

- Bú ít hơn một nửa so với bình thường.

- Vàng da lan đến tay chân.

- Vàng da xuất hiện trong 1- 2 ngày sau sinh.

- Vàng da kéo dài trên 15 ngày.

. VnExpress

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chinh phục hàng rào bảo vệ não bộ  (24/03/2003)
A xít mật - thủ phạm gây bệnh ung thư đại tràng, ruột kết  (24/03/2003)
Xin đừng chủ quan với bệnh lao  (24/03/2003)
9 triệu chứng tố cáo bệnh trầm cảm  (23/03/2003)
10 điều hướng dẫn phòng chống viêm đường hô hấp cấp do vi-rút  (21/03/2003)
Biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng đến đời sống của con người  (21/03/2003)
Giáo dục nhân cách lứa tuổi vị thành niên  (20/03/2003)
Chữa cận thị không cần mang kính  (20/03/2003)
Bệnh ghen !  (20/03/2003)
Thành công bước đầu của một câu lạc bộ phòng, chống tác hại của thuốc lá  (20/03/2003)
Đan sâm ẩm – một loại trà dược quý  (20/03/2003)
Ăn ít giúp trí não người già khỏe mạnh  (19/03/2003)
Bệnh thủy đậu  (19/03/2003)
Bài tập thể dục để làm tan lớp mỡ ở bụng  (19/03/2003)
Tác hại của môi trường lao động đến tim mạch  (19/03/2003)