Trước năm 1992, với công thức phổ cập đơn giản, khi phát hiện người dân có triệu chứng mắc bệnh lao, Bệnh viện chuyên khoa Lao tỉnh Bình Định chỉ tiến hành cấp phát thuốc cho họ thông qua các đơn vị y tế tuyến cơ sở mà không trực tiếp theo dõi. Thuốc điều trị chỉ đến được tay người có bệnh còn việc thuốc có đi vào cơ thể họ và tác dụng phụ như thế nào, không ai kiểm soát được. Kể từ khi nước ta hòa nhập với Chương trình chống lao thế giới, triển khai Chương trình chống lao quốc gia năm 1992, Bệnh viện chuyên khoa Lao đưa vào áp dụng chương trình hóa trị liệu ngắn ngày, cho đến năm 1997 thì tiến một bước xa hơn khi kết hợp hóa trị liệu với giám sát trực tiếp từng ngày. Cũng từ năm 1997, hoạt động tư vấn phát triển mạnh. Nếu trước đây, bệnh viện chỉ sơ sài chiếu một vài hình ảnh để người bệnh hiểu những vấn đề cơ bản về bệnh lao thì nay hoạt động tư vấn đã đi vào tổ chức, có chương trình hẳn hoi.
Phương pháp phát hiện bệnh chủ yếu là do Bệnh viện chủ động xuống từng xã, thôn thăm khám ít mang lại hiệu quả. Mỗi lần như thế cán bộ của Bệnh viện phải mất ít nhất 3-4 người, ở lại địa phương vài ba ngày nên không đủ khả năng phát hiện kiểm tra, giám sát; các tuyến hầu như bỏ ngõ. Bệnh nhân vẫn cứ gia tăng trong khi tiền của bệnh viện và địa phương ngày càng tốn kém. Vì thế cách thức phát hiện bệnh thông qua công tác truyền thông-giáo dục sức khỏe nhằm tuyên truyền cho mọi người hiểu đúng đắn về bệnh lao được đẩy mạnh. Một khi có các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh lập tức đến ngay các cơ sở phòng chống lao gần nhất để được khám phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tránh lây lan cho cộng đồng và di chứng nặng nề.
Để thực hiện được điều này, Bệnh viện đã phối hợp với các TTYT hình thành mạng lưới chuyên trách lao từ Bệnh viện xuống đến từng thôn xóm nhằm phát hiện sớm những người bị bệnh. Bệnh viện nhân bản rất nhiều lần băng video, cassette, panô, áp phích, tờ rơi, tranh ảnh… từ Viện lao Trung ương gởi về để phục vụ từ bệnh nhân nội trú đến tận vùng dân cư. Phòng tư vấn luôn có người túc trực tiếp đón trước khi vào viện để người bệnh và thân nhân hiểu các triệu chứng, cách điều trị và cách phòng tránh tái phát, lây lan sau khi ra viện. Tổ chức CLB sinh hoạt bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sinh hoạt đều đặn vào chiều thứ sáu hàng tuần. CLB không chỉ đơn thuần là nơi sinh hoạt, giải trí mà còn là nơi trao đổi những vấn đề cần thiết, bổ ích trong và sau khi điều trị. Vì vậy, đã thu hút hàng ngàn người tham gia.
Để tránh tái phát và lây nhiễm, bệnh viện mở rộng hướng hoạt động, cả cộng đồng đều được tuyên truyền, hướng dẫn. Tùy từng đối tượng mà có một cách tuyên truyền riêng cho phù hợp,chuyển tải được thông tin dưới các hình thức: mít tinh, cổ động, nói chuyện, thi trắc nghiệm, thi đố vui có thưởng xen kẽ văn hóa văn nghệ… Năm 2001, bệnh viện xây dựng 3 panô lớn bằng bê tông, 1 ở Phù Cát, 2 ở đường Quy Nhơn-Sông Cầu và dự kiến cuối năm nay thêm 1 ở Tây Sơn. Đồng thời kết hợp với hệ thống thông tin đại chúng: mở các cuộc triển lãm tranh ảnh để cung cấp thông tin đến người dân. Không chỉ năng động trong công tác phòng chống lao, đội truyền thông của bệnh viện còn tham gia vào chương trình liên hoan các đội truyền thông tỉnh về dân số, phòng chống ma túy… được Sở VHTT đánh giá cao.
Tuy còn khó khăn về nguồn nhân lực và kinh phí nhưng các cán bộ viên chức bệnh viện đã cố gắng khắc phục để đảm bảo hoạt động đều đặn có hiệu quả. Bác sĩ Lê Tuấn Ngọc – phụ trách Khoa chỉ đạo tuyến cho biết: “Trước, khoa có 22 người nhưng nay chỉ còn lại một nửa phụ trách tư vấn, khám và cả điều trị thành ra mỗi người làm rất nhiều việc. Song, anh em tôi ai cũng yêu nghề, vì bệnh nhân nên cố gắng làm việc”. Được biết, hiện nay lượng công việc ở khoa này quá nhiều. Hàng tháng đi ít nhất một huyện để giám sát chỉ đạo tuyến, lượng giá và đào tạo cán bộ. Nhân lực và kinh phí hoạt động truyền thông không nhiều nên bệnh viện chỉ lo phần nội dung còn lại vận động các đoàn thể của địa phương hỗ trợ. Các bác sĩ trong “đội truyền thông” đều là những người nhiệt tình. Hầu hết các bài hát đều nói về bệnh lao do các anh tự sáng tác, lời và nhạc giản dị, dễ hiểu dễ hát để bà con dễ thuộc. Tuy con số người mắc bệnh lao tại Bình Định vẫn còn nhiều nhưng chính cách làm này của bệnh viện đã mang lại hiệu quả rất thiết thực.
. Lê Thu Hiền |