Một trong những cách chữa bệnh là xông hơi. Chữa trị theo phương pháp này chủ yếu là hệ hô hấp. Ngoài mục đích chữa bệnh, xông hơi còn được sử dụng như một biện pháp tạo sảng khoái, tăng cường sức khỏe, chẳng hạn như tắm hơi. Nồi nước xông thường bao gồm: kinh giới, hương nhu, lá bưởi, lá sả, lá chanh, lá gừng… Ngày nay, để tiện lợi, người ta còn cô đọng tinh chất của các loại cây cỏ trên vào một viên thuốc xông. Tuy vậy, cách xông cổ điển (mở nắp nồi xông và trùm mền kín) đôi khi gây những tai nạn đáng tiếc như phỏng, dị ứng, ngạt, nhất là với những bệnh nhân có bệnh tim mạch, hô hấp nặng như suy tim, hen suyễn… Một tình trạng phổ biến khác là những bệnh nhân tai mũi họng thường được giới thiệu sử dụng hình thức xông mũi họng có thể cho kết quả khả quan trong một số trường hợp nhưng sau đó nhiều người lại đâm “nghiện”, vừa tốn tiền vừa mất thời gian. Tựu trung, mọi thuốc xông đều chứa các loại tinh dầu rút từ cây cỏ có các đặc tính giải độc, giải nhiệt, sát trùng…, một số trường hợp đặc biệt có dùng thêm kháng sinh, corticoid. Do vậy, đôi khi việc xông mũi họng chỉ là một chỉ định nhằm mục đích tẩy uế, thông thoáng, khử trùng đường mũi họng, không phải là cách chữa trị duy nhất và nếu thực sự cần thì hiệu quả cũng không hẳn vượt trội các phương cách chữa trị khác. Nếu chỉ bị cảm cúm hay viêm mũi họng nhẹ thì chỉ cần xông vài lần. Các trường hợp viêm mũi họng mạn tính hay viêm xoang kéo dài mới thực sự cần thiết xông mũi họng thường xuyên, nếu có chỉ định của thầy thuốc.
. BS. Đỗ Minh Tuấn
|