Thức ăn đường phố và các nguy cơ cho sức khỏe
17:17', 10/4/ 2003 (GMT+7)

Phố ẩm thực ở đường Ngô Văn Sở - ảnh Đào Tiến Đạt

Thức ăn đường phố (TĂĐP) là những thức ăn, đồ uống đã làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bán trên đường phố, những nơi công cộng, các khu du lịch, chợ, lễ hội. Chúng bao gồm cả đồ ăn thức uống khác, các rau quả tươi được bán rong trên đường phố. TĂĐP là một loại hình dịch vụ cung cấp thực phẩm phát triển rộng rãi hiện nay. Đây được coi là nguồn thực phẩm thường là giàu chất dinh dưỡng, rẻ tiền, đa dạng và tiện lợi. Chúng được đánh giá cao nhờ hương vị hấp dẫn và tiện lợi, giúp cho việc đảm bảo an ninh lương thực cho những người có mức thu nhập thấp và củng cố nguồn kiếm sống cho một số lượng lớn người lao động thiếu vốn đầu tư vào kinh doanh, tạo thu nhập đáng kể cho nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay ở Việt Nam, TĂĐP có thể đặt ra những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Hầu hết các cơ sở bán TĂĐP đều thiếu cơ sở hạ tầng, địa điểm kinh doanh thường là vỉa hè, bến xe, nhà ga… do vậy, phương tiện vệ sinh đều thiếu thốn nghiêm trọng. Bàn ghế tạm bợ, vệ sinh hoàn cảnh kém, không có dụng cụ bảo quản thức ăn, không có nước sạch tại chỗ, thiếu dụng cụ rửa chén bát, không có phương tiện xử lý rác… Kết quả điều tra cho thấy, trên 40% số cơ sở dịch vụ TĂĐP không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, từ 32 - 42% các thức ăn chín ăn ngay bị ô nhiễm, nhiều nơi nguy cơ rất cao như ở Nam Định 100% số mẫu giò, chả, lòng heo chín bị nhiễm E.Coli; ở Thái Bình 100% số mẫu rau sống bị nhiễm E.Coli và ở Hà Nội 80% số mẫu xét nghiệm cốc uống bia hơi bị nhiễm E.Coli. Tỷ lệ sử dụng hàn the, phẩm màu độc trong chế biến thực phẩm vẫn ở mức rất cao, trên 50%.

Những người bán TĂĐP phần lớn là người nghèo, lao động phổ thông, trình độ thấp, do vậy họ thiếu các kiến thức cơ bản về an toàn VSTP, không được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Trong số họ vẫn còn tồn tại nhiều hành vi mất vệ sinh như: không rửa tay trước khi chế biến thức ăn, dùng tay bốc thức ăn, không mặc đồ bảo hộ, sử dụng dụng cụ thái thực phẩm sống chín lẫn lộn… Vì vậy chính bản thân họ lại có thể góp phần làm lan truyền các bệnh truyền qua thực phẩm. Một số kết quả kiểm tra ở các địa phương đã chỉ ra nguy cơ của thức ăn đường phố là rất cao: Ở Hà Nội có tới 37% những người bán thức ăn đường phố có bàn tay bị nhiễm E.Coli (tức là dính phân), ở Hải Dương là 64,7%, Thanh Hóa là 52,5%, Thái Bình là 92% và ở Huế là 37%…

Trong cơ chế thị trường hiện nay, với sự bung ra mạnh mẽ của dịch vụ TĂĐP, một số không nhỏ lại mang tính chất mùa vụ, tạm bợ và lưu động nên rất khó khăn trong sự kiểm soát các hoạt động của loại hình dịch vụ này. Mặt khác, cộng đồng chưa nhận thức một cách đầy đủ về các mối nguy hiểm từ một số TĂĐP. Họ chỉ chú trọng về mặt dinh dưỡng, khẩu vị, sự tiện lợi mà ít quan tâm đến khía cạnh VSATTP khi sử dụng.

Thức ăn đường phố hiện đang đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống, sinh hoạt của cộng đồng. Tuy nhiên, với thực trạng trên thì chúng cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và gây nên các vụ ngộ độc. Năm 2002 đã có 83 vụ ngộ độc thực phẩm do TĂĐP được báo cáo, có nhiều vụ số người mắc lên đến hàng trăm người như ở Đồng Nai, Hải Phòng, Thanh Hóa…

Chính tầm quan trọng của TĂĐP đối với sức khỏe cộng đồng mà năm 2003, Tháng hành động vì chất lượng VSATTP được tổ chức trên toàn quốc với chủ đề “Thức ăn đường phố và đời sống văn hóa - sức khỏe” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp chính quyền, các ngành và toàn thể xã hội về việc đẩy mạnh công tác bảo đảm VSATTP thức ăn đường phố. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm TĂĐP, trước hết mỗi người chủ kinh doanh TĂĐP phải ý thức được trách nhiệm của mình với sức khỏe cộng đồng để điều chỉnh hành vi và thay đổi điều kiện kinh doanh sao cho đạt yêu cầu vệ sinh. Các cấp chính quyền, đặc biệt là xã, phường phải là người chủ trì, y tế các cấp tham mưu thật tốt cho chính quyền để huy động đông đảo lực lượng xã hội tham gia có hiệu quả các hoạt động bảo đảm VSATTP trên địa bàn mình. Cần đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác này, mỗi người phải tự bảo vệ mình trước các nguy cơ đối với sức khỏe, chỉ sử dụng các thức ăn khi biết chắc là an toàn, quan sát kỹ trước khi bước vào quán ăn, kiên quyết không ăn ở những cơ sở không đảm bảo vệ sinh và đấu tranh với những sai trái trong việc bảo đảm VSATTP.

BS. Bùi Ngọc Lân

(Trung tâm y tế Dự phòng)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bệnh cao huyết áp có di truyền không ?  (10/04/2003)
Niềm hy vọng cho những bệnh nhân bị viêm đa khớp dạng thấp  (09/04/2003)
Bệnh viêm phổi cấp  (09/04/2003)
Rau dừa nước  (08/04/2003)
30 tỷ đồng cho công tác phòng, chống SARS   (09/04/2003)
Chế độ ăn khi bị bệnh đái tháo đường  (07/04/2003)
Vai trò của gia đình đối với sức khỏe trẻ em  (06/04/2003)
20 phút thiền định mỗi ngày giúp bạn trẻ thêm 12 tuổi  (04/04/2003)
Lưu ý khi xông mũi, họng  (03/04/2003)
Vân Canh nỗ lực phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em  (02/04/2003)
Các rối loạn phân ly: Nguyên nhân và cách phòng ngừa  (02/04/2003)
Ðể giữ sức khoẻ, hãy nhớ "7 không"  (01/04/2003)
Chọn mùa để sinh con theo ý muốn  (31/03/2003)
Khi nước tiểu đục trắng  (30/03/2003)
Những thức ăn kiêng của bệnh nhân viêm gan  (30/03/2003)