1. Ghi nhận:
Vân Canh là một huyện miền núi với số dân hơn 22.000 người, được phân bổ rải rác trên 7 xã, thị trấn, trong đó chiếm một phần lớn là người dân tộc thiểu số. Từ năm 1999 trở về trước, Vân Canh chỉ có duy nhất Trung tâm y tế (TTYT) huyện là nơi khám bệnh và cấp phát thuốc. Năm 1999, từ dự án hỗ trợ y tế quốc gia, trạm y tế Canh Hòa, thuộc xã Canh Hòa được ra đời. Đến năm 2002, mạng lưới y tế cơ sở đã phủ kín toàn huyện với việc xây dựng kiến cố và đưa vào sử dụng 6 trạm y tế cho 6 xã, thị trấn còn lại. Hơn thế nữa, để tiện lợi cho người dân các vùng xa xôi hẻo lánh, toàn huyện đã có 50 cơ sở y tế thôn.
Nguồn nhân lực cũng có sự tăng cường đáng kể về lượng lẫn chất. Năm 1998, huyện chỉ có 3 bác sĩ. Đến nay, con số này đã tăng gấp bốn lần, trong đó có một bác sĩ chuyên khoa I. Lực lượng y sĩ, điều dưỡng cũng được bổ sung thêm rất nhiều. Chính từ sự quan tâm, đầu tư về mạng lưới y tế này đã tạo nên những chuyển biến đáng kể trong mục tiêu chăm sóc sức khỏe, tạo lòng tin với người dân trên địa bàn huyện.
Năm 2002, TTYT huyện và các trạm y tế đã thu hút gần 40.000 lượt người đến khám, số điều trị nội trú ngày càng nhiều. Năng lực điều trị của các bác sĩ ngày một được nâng lên rõ rệt. Hầu hết, các bệnh nhân nhập viện đều được điều trị, số trường hợp buộc phải chuyển viện giảm hẳn so với năm trước, từ 20 ca/tháng xuống còn 5 ca/tháng. Các trang thiết bị bước đầu được triển khai đã giúp cho công tác chẩn đoán bệnh được chính xác và kịp thời.
Công tác chăm sóc người bệnh được cải thiện, người bệnh nhập viện không chỉ điều trị bằng thuốc, bằng các kỹ thuật mà bước đầu còn tạo được các mối quan hệ gần gũi giữa người bệnh với gia đình và xã hội. Việc cung ứng thuốc được đáp ứng kịp thời, không để tình trạng thiếu trước hụt sau. Danh mục thuốc đang sử dụng có đủ các chủng loại, một số loại thuốc vượt tuyến đã được cho phép sử dụng tại bệnh viện. Qua đó đã tạo điều kiện cho các thầy thuốc dễ dàng chọn lựa thuốc có hiệu quả, giảm chi phí cho bệnh nhân phải nhập viện ở tuyến trên.
Các chương trình mục tiêu y tế cũng đã thu được kết quả khả quan. Không còn xảy ra tình trạng tử vong ở trẻ vì mắc các bệnh truyền nhiễm. Bệnh sốt rét đã được khống chế, không còn tăng đột biến ở một số thôn, làng vào những tháng cao điểm.
2. Và những điều còn trăn trở:
Bên cạnh những kết quả đã ghi nhận, ngành y tế Vân Canh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Hầu hết, các trạm y tế chưa tổ chức được tủ thuốc quay vòng vốn cho nhân dân (ngoại trừ xã Canh Vinh). Các xã Canh Vinh, Canh Hiển, Canh Hòa, Canh Liên chưa có bác sĩ, dẫn đến việc trạm y tế chỉ là nơi để khám, cấp phát thuốc, còn bệnh nhân vẫn “chạy” về bệnh viện huyện. Tất cả các xã, thị trấn đều chưa có cán bộ chuyên trách khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Đã vậy, số dược tá không đủ để phân bổ về các trạm nên rất khó khăn trong công tác quản lý dược. Vì thế, các trạm y tế hoạt động không mấy hiệu quả.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của bệnh viện huyện đang rơi vào tình trạng thiếu thốn và xuống cấp. Kho quản lý dược, trang thiết bị y tế không đủ tiêu chuẩn để lưu trữ một lượng thuốc lớn cho toàn huyện. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ các sở, ban, ngành rất hạn chế nên chưa thể triển khai các chuyên khoa lẻ như Tai-Mũi-Họng, Răng-Hàm-Mặt, Mắt, Y học cổ truyền... Nhiều khoa phải nhập chung vào nhau như khu điều trị Nội-Nhi-Lây, khu Ngoại-Sản.
Nhiều trang thiết bị cũ kỹ, không áp dụng được trong khám và điều trị. Đơn cử, máy siêu âm được Sở y tế điều chuyển từ Phù Cát về từ năm 1998, đến nay đã bị hư hỏng. Các kỹ thuật cận lâm sàng chưa đáp ứng nhu cầu chẩn đoán lâm sàng và điều trị. Lại có trường hợp bệnh nhân vào viện, bác sĩ đã chẩn đoán được bệnh nhưng đành bó tay và thuyên chuyển về tuyến trên vì không có phòng và dụng cụ để mổ.
Ngoài ra, một vấn đề đang làm đau đầu ngành y tế nói chung và y tế Vân Canh nói riêng là công tác vệ sinh môi trường. Đến nay, Vân Canh vẫn chưa có hệ thống xử lý chất thải cho y tế. Được biết, tại TTYT Vân Canh, để xử lý chất thải, lâu nay Trung tâm vẫn dùng cách “cổ truyền” là đào hố đốt bơm kim tiêm và sinh phẩm y tế. Mặt khác, hiện nước thải trong bệnh viện vẫn chưa có đường thoát, phải để tràn “tự nhiên” ra khu vực dân cư. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Phó giám đốc TTYT huyện cho biết: “Nếu cho xe chuyên chở chất thải rắn về lò đốt tại Bệnh viện chuyên khoa Lao thì chúng tôi làm được, nhưng lượng nước thải không có hệ thống xử lý thì chảy về đâu? Không thể để tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra chính nơi chăm sóc sức khỏe người dân. Vì thế, chúng tôi rất cần sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo các cấp. Các y bác sĩ đều rất nhiệt tình và tâm huyết với nghề nhưng không thể tự mình làm ra tất cả”.
Sự trăn trở và mong ước của bác sĩ Hùng cũng là của chính người viết bài này và những ai quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở Vân Canh. Sớm giải quyết được những điều trăn trở nêu trên, ngành y tế Vân Canh mới có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện nhà.
. Lê Thu Hiền
|