Từ khi xuất hiện bệnh viêm phổi cấp (SARS) người ta đổ xô nhau đi mua khẩu trang về và mang nó suốt ngày với hy vọng là sẽ ngăn cản được con vi rút quái ác chưa có thuốc trị. Việc mang khẩu trang cho người bệnh là hoàn toàn hợp lý vì ít ra cũng giảm được lượng vi trùng gây bệnh vào môi trường xung quanh, ngoài các biện pháp quản lý bệnh nhiễm trùng. Thứ hai là những người tiếp xúc gần bệnh nhân như nhân viên y tế, người nhà đến thăm, là những đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm lớn tiếp xúc cao. Tuy nhiên việc mang các thiết bị bảo vệ cá nhân tuỳ theo loại bệnh, mức độ lây lan mà có các yêu cầu mang các thiết bị bảo vệ cá nhân khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là cái khẩu trang, hay mặt nạ. Còn đối với công chúng việc chỉ đeo mỗi cái khẩu trang hay mặt nạ không những chẳng có tác dụng tốt hơn mà có khi còn phản tác dụng.
Đó là chưa kể việc chúng ta không nắm hết được các nguyên tắc sử dụng khẩu trang và mặt nạ, thì việc lợi bất cập hại, có khi chúng ta bị nhiễm bệnh vì chính cái khẩu trang của chúng ta. Chưa hết, việc lây truyền bệnh có thể do các con đường khác mà chúng ta chưa được biết, trong đó con đường dính vào các chất dịch tiết là không thể loại trừ. Một khi tác nhân có khả năng lây lan qua đường mũi họng thì các đường khác như mắt qua niêm mạc mắt, tai cũng khó mà loại trừ được. Trong khi chúng ta chỉ chăm chăm vào cái khẩu trang mà quên quá nhiều các bộ phận phận khác trong cơ thể chúng ta hoàn toàn trong tình trạng bị phơi nhiễm toàn bộ, mà cụ thể nhất là đôi tay. Chính đôi tay mới là cầu nối trung gian trong việc đưa các tác nhân là dịch tiết rơi vãi, đụng chạm vào trong cơ thể nhanh nhất. Mang mặt nạ mà ở những vùng nhiệt đới hay cận nhiệt đới là chuyện không đơn giản, chỉ cần 10 phút là đã ẩm ướt, khó chịu, một động tác đưa tay lên gãi, day trở cái khẩu trang/mặt nạ thì cũng có thể đưa thẳng tác nhân gây bệnh vào cơ thể chúng ta ngay tức khắc nếu tay chúng ta bị nhiễm loại vi rút có khả năng lây lan theo đường sờ mó và qua mũi họng, niêm mạc mắt v..v…
Chỉ có một cách “tránh phơi nhiễm tuyệt đối” với tác nhân gây bệnh qua đường không khí với độc lực mạnh và khả năng lây cao là chúng ta phải mang mặt nạ cấp khí, đeo găng tay chống thấm, mặc quần áo như một nhà du hành vũ trụ. Còn cái khẩu trang hay mặt nạ có tác dụng gì trong cộng đồng để tránh các bệnh lây nhiễm qua đường không khí hay không, chúng ta tự cho mình một kết luận hoặc có thể biện hộ theo lý luận của mình.
Việc trang bị chiếc khẩu trang để ngăn ngừa bệnh lây lan theo đường không khí chỉ dựa trên cơ sở của nguyên tắc phòng chống bệnh nhiễm trùng chung, cũng như những vận dụng cơ bản không liên quan gì đến SARS. Tổ chức y tế thế giới, một đại diện chuyên môn cao nhất thế giới cũng chưa có một khuyến cáo là người dân cần phải đeo khẩu trang để phòng chống SARS cả. Ấy thế mà, người dân khắp nơi từ Mỹ đến Á đều nhất loạt bấu víu vào chỗ cứu cánh là từ chiếc khẩu trang đến cái mặt nạ. Câu chuyện còn lên cơn sốt hơn khi có nghi ngờ bệnh có khả năng lây lan qua đường không khí.
Chuyện đáng nói hơn là không chỉ người dân thiếu kiến thức, thiếu thông tin, mà chính những cơ quan có thẩm quyền cũng như cơ quan Y tế cũng có khuyến cáo cho dân chúng phải mang khẩu trang. Trang web nào của giới Bác sĩ Mỹ cũng có một phần về SARS, có giải thích biện pháp phòng chống SARS: “Rửa tay thường xuyên, vứt bỏ khăn giấy sau khi dùng để xì mũi, lau mặt, ho đúng cách, tránh tiếp xúc giáp mặt với người bệnh”, nhưng ngay dưới đó là một quảng cáo “Để giảm nguy cơ SARS chỉ còn có giới hạn khẩu trang và găng tay mà thôi”. Đội đặc nhiệm (Task Force) chống SARS của Viện Đại học Trung quốc ở Hồng Kông (CUHK) đã ban hành chính sách “TẤT CẢ mọi người PHẢI đeo khẩu trang trong khuôn viên CUHK”.
Quay trở lại những điều đơn giản về cách thức giữ vệ sinh chung, như rửa tay sạch với xà phòng bình thường, giữ vệ sinh cá nhân như dùng khăn tay để xì mũi, che miệng mũi khi hắt hơi, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, tắm rửa sạch khi về nhà là những phương thức vệ sinh cổ xưa thông thường mà rất hiệu quả. Còn về SARS hay bất kỳ một nguyên nhân gây bệnh nào khác, cũng chỉ là một trong rất nhiều nguy cơ cho sức khoẻ của mỗi người chúng ta. Các nguy cơ này không phân biệt đẳng cấp, địa vị trong xã hội, biên giới địa lý, chỉ có điều khác nhau về loại nguy cơ và tần suất nguy cơ mà thôi. Việc quá chú tâm vào một nguy cơ tưởng như “chết người” có thể ta lại bị xao lãng các nguy cơ khác tưởng như vô hại, nhưng lại có thể trở thành mối đe doạ ngay tức thời. Lo lắng quá mức, cũng là một nguy cơ cho sức khoẻ.
. Thu Thảo (Theo các báo)
|