Hiện nay trên thế giới có khoảng 700 triệu người dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) và dự báo đến năm 2005 con số này có thể tăng lên một tỷ rưỡi. ĐTDĐ phổ biến như vậy, song vài năm gần đây giới tiêu thụ đã trở nên băn khoăn vì những tin tức về sự nguy hại của ĐTDĐ đối với sức khỏe người sử dụng. Đã có nhiều kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng xấu cho sức khỏe do phóng xạ của ĐTDĐ. Nhưng vì nhu cầu công việc người ta vẫn dùng mặc dù cho tới nay chưa có giải đáp dứt khoát nào về vấn đề này.
Đài BBC cách đây mấy năm đã công bố kết quả nghiên cứu của bác sĩ Lennart Hardel bên Thụy Điển: Một bệnh nhân bị ung thư não về phía đầu mà người này thường xuyên áp ĐTDĐ để nói và nghe. Vị bác sĩ này cho hay rằng ĐTDĐ có tác dụng không tốt tới sức khỏe con người và vấn đề cần được làm sáng tỏ bằng các nghiên cứu khoa học khách quan.
Tháng 5/1999, bác sĩ Mild công bố kết quả một nghiên cứu từ Thụy Điển cho hay sử dụng ĐTDĐ đưa đến nhiều triệu chứng như nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, mất trí nhớ, nóng bỏng trên da và nghe khó khăn. Theo ông, người dùng ĐTDĐ 30 phút mỗi ngày thì hay than phiền là mau quên nhiều gấp đôi so với người chỉ dùng dưới hai phút; người dùng ba bốn lần trong ngày thì bị nhức đầu gấp ba người chỉ dùng hai lần trong ngày. Trước đó, vào tháng 5/1998, các nghiên cứu tại Thụy Điển, Na Uy và công ty điện thoại Scandinavian cũng đưa ra các nhận xét tương tự. Nhiều người nghe ĐTDĐ áp vào tai than phiền trên da nổi lên một vết đỏ, đau, cứng có bề lớn bằng chiếc điện thoại mà họ đang dùng. Công ty sản xuất Microshield kể trường hợp một người mang điện thoại vào hông và bị ung thư cột sống lưng, ngay chỗ mang điện thoại.
Theo Viện ung thư Hoa Kỳ, các đồ điện trong nhà như T.V, chăn và nệm điện, máy sấy tóc, quạt trần, đồng hồ điện báo thức cũng phát ra từ trường điện tương tự như ĐTDĐ. Theo giải thích của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thì các phóng xạ từ ĐTDĐ rất nhỏ, khoảng 0.2-0.6 watt, thuộc loại không gây ra xáo trộn cho tế bào con người. Phóng xạ này tan biến trong không gian, tùy theo khoảng cách giữa máy và cơ thể. Cũng theo WHO phóng xạ này khi xâm nhập cơ thể, sẽ tạo ra một sức nóng rất nhẹ mà cơ chế điều hòa thân nhiệt có thể hóa giải dễ dàng. WHO cũng nhận rằng có nhiều nghiên cứu nói phóng xạ của ĐTDĐ làm thay đổi sinh hoạt điện năng não bộ, giảm thời gian phản ứng, gây vài xáo trộn giấc ngủ, nhưng rất ít và không tạo ra khó khăn gì cho người sử dụng. WHO kết luận là các phóng xạ đó chưa chắc đã gây ra ung thư não và sẽ tài trợ để các khoa học gia nghiên cứu thêm.
Các nhà sản xuất ĐTDĐ cho biết, ĐTDĐ là an toàn vì đã được làm đúng theo tiêu chuẩn do chính quyền đưa ra. Tiêu chuẩn đó gồm ảnh hưởng của nhiệt do ĐTDĐ phát ra và các vi ba từ trường được phân phối ra hết cả đầu. Cơ quan Federal Communication Commission Hoa Kỳ cho hay là cho tới nay, chưa có bằng chứng nào kết luận rằng điện từ trường có hại cho sức khỏe. Nhưng các nhà khoa học quan tâm tới ảnh hưởng phóng xạ từ điện thoại di động vẫn không hài lòng với giải thích của chính quyền và của các công ty sản xuất ĐTDĐ. Họ vẫn quả quyết là phóng xạ này rất hại cho cơ thể. Phóng xạ điện từ trường thoát ra từ điện thoại di động khi mở máy và khi điện đàm. Vi ba phóng xạ xâm nhập xương sọ, vào não bộ, mắt, mũi và các tế bào trên mặt. Bác sĩ Bruce Hocking đã tường trình trước Thượng viện Úc rằng, người sử dụng ĐTDĐ có thể bị tổn thương da chung quanh vành tai với cảm giác khác thường ở trong đầu mấy phút sau khi họ quay số điện thoại và kéo dài có khi cả mấy tiếng đồng hồ. Ngoài ra họ còn cảm thấy buồn nôn, rối loạn thị giác cũng như có vài dấu hiệu thần kinh khác. Theo ông, đây không phải là do tưởng tượng, mà là có thực vì được phát hiện ở nhiều người khác nhau, trên khắp thế giới khi họ dùng ĐTDĐ. WHO cũng đề cập tới vấn đề tia phóng xạ của ĐTDĐ trên sức khỏe và khuyên dân chúng nên giới hạn sử dụng. Còn các nhà nghiên cứu bên Anh quốc báo động là trẻ em dùng nhiều điện thoại di động có thể gặp khó khăn trong vấn đề tăng trưởng. Theo kết quả điều tra bên Đức thì phóng xạ vi ba từ ĐTDĐ làm tăng huyết áp vì các mạch máu co thu dưới tác dụng của phóng xạ.
Vấn đề của ĐTDĐ đang được tranh luận, nghiên cứu. Chưa có kết luận nào xác quyết là ĐTDĐ tạo ra ảnh hưởng không tốt và cũng chưa có chứng minh nào là ĐTDĐ an toàn. Người sử dụng ĐTDĐ bây giờ vô tình được dùng như là để thử nghiệm coi nó có nguy hại hay không. Nếu cơ thể có sức đề kháng mạnh thì vi ba phóng xạ từ ĐTDĐ không làm gì được, nhưng nếu yếu thì, mỗi ngày một ít, phóng xạ sẽ hủy hoại tế bào và trong thời gian dài có thể đưa tới bệnh hoạn. Trong khi chưa có kết luận chính thức về tác hại của ĐTDĐ người sử dụng cũng cần cảnh giác và có một thái độ khôn ngoan. Lời khuyên sau đây chắc chắn là không thừa đối với người dùng ĐTDĐ:
- Không dùng ĐTDĐ khi có điện thoại loại thường.
- Dùng điện thoại thường bất cứ lúc nào có thể.
- Dùng trang bị phụ để khỏi áp điện thoại vào tai.
- Nói trên điện thoại di động càng ngắn càng tốt.
- Dùng loại ĐTDĐ có antenne ở ngoài máy, xa đầu và não bộ.
- Ở nhà hoặc văn phòng, khi có ai gọi vào ĐTDĐ, thì gọi lại bằng điện thoại thường.
- Mang ĐTDĐ trong túi xách tay, chứ đừng bỏ trong túi áo, túi quần.
- Giới hạn sự sử dụng ĐTDĐ ở thiếu niên dưới 16 tuổi vì giới này bị ảnh hưởng xấu từ điện thoại di động nhiều hơn người trưởng thành.
Một khía cạnh khác của ĐTDĐ cũng đáng lưu tâm. Đó là việc sử dụng ĐTDĐ khi đang lái xe, nhiều trường hợp đã gây ra tai nạn chết người. Số người tử vong do sử dụng ĐTDĐ khi đang lái xe có lẽ còn cao hơn là do phóng xạ của ĐTDĐ gây ra.
. Thu Thảo (Theo tài liệu nước ngoài)
|