Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người.
Trên thế giới hàng năm, bệnh dại đã cướp đi sinh mạng của khoảng 70.000 người. Theo Trung tâm Y tế dự phòng Bình Định, trong năm 2002 Bình Định có 11.490 lượt người phải tiêm phòng dại do bị chó, mèo… cắn (trung bình khoảng 32 người trong ngày). Hầu hết số chó này chưa được tiêm phòng dại và thường thả chạy rông ngoài đường (trong đó có 192 trường hợp chó lên cơn dại). Chi phí cho tiêm phòng và điều trị lên đến hàng tỉ đồng, có trường hợp dẫn đến tử vong.
Bệnh dại do một loại virus hướng thần kinh từ chó, mèo, chuột mang mầm bệnh truyền sang người qua vết cắn, cào cấu hoặc do tiếp xúc trực tiếp với nước dãi từ con bệnh. Hiện nay, bệnh dại không có thuốc điều trị, khi đã lên cơn dại thì nguy cơ tử vong là rất cao.
Triệu chứng thể hiện khi chó, mèo mắc bệnh dại biểu hiện ở 2 thể: thể điên cuồng và thể bại liệt. Ở thể điên cuồng: Thời kỳ đầu, chó thay đổi thói quen hàng ngày, bứt rứt, hung dữ hoặc vui mừng, quấn quít lấy chủ. Sang thời kỳ kích thích: Chó chạy lung tung, hỗn loạn, có khi vồ bóng, vồ mồi vô hình, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, bỏ chạy gặp gì cũng cắn kể cả chủ nó; Ở thể bại liệt: chó trở nên buồn bã, thường nằm thu mình trong bóng tối, hàm trễ xuống, lưỡi thè ra, chảy nhiều nước bọt, dần dần liệt nửa thân mình rồi chết.
Người không may bị chó cắn, trước tiên phải rửa vết thương nhiều lần bằng xà phòng đặc, rửa lại bằng nước sạch, dùng cồn 700 hoặc cồn Iod 1% sát trùng vết thương, sau đó, đến các đội vệ sinh phòng dịch để tiêm phòng vac-xin dại hoặc huyết thanh kháng dại (tùy theo vị trí vết cắn). Tuyệt đối không được xoa ớt, liếc dao lên vết cắn hoặc uống các loại thuốc nam khác.
Để ngăn ngừa bệnh dại, tránh những cái chết thương tâm có thể xảy ra, mọi tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo cần thực hiện tốt các quy định sau:
- Chó, mèo nuôi từ 3 tháng tuổi trở lên phải tiêm phòng bắt buộc vac-xin dại (1 lần/năm). Mùa hè nắng nóng là điều kiện tốt nhất cho bệnh dại bộc phát.
- Không thả chó chạy rông ngoài đường, nơi công cộng.
- Khi đưa chó, mèo ra đường phải có chủ dẫn, có các phương tiện bảo vệ như: dây xích, khớp mõm và có giấy chứng nhận đã tiêm phòng dại trong thời gian còn hiệu lực.
- Khi chó cắn người, chủ nuôi chó phải nhốt cách ly và báo cho cơ quan thú y gần nhất để theo dõi.
. Huỳnh Ngọc Diệp
(Chi cục Thú y Bình Định)
|