Việt Nam đã hoàn toàn khống chế dịch SARS!
17:28', 28/4/ 2003 (GMT+7)

Sáng 28-4, bà Pascale Brudon, Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới, đã chính thức thông báo Hà Nội không còn trong danh sách những thành phố bị SARS trong buổi họp báo của Bộ Y tế VN về kết quả phòng chống SARS. VN trở thành quốc gia đầu tiên được WHO xác nhận không còn là nguồn gây bệnh, mà chỉ nằm ở vùng nguy cơ cao của dịch viêm phổi không điển hình.

Bà Brudon cho biết, một quốc gia được coi là đã khống chế tốt dịch SARS nếu trong 2 chu kỳ ủ bệnh (20 ngày) không phát hiện thêm một ca nhiễm mới nào. VN đã đạt được tiêu chuẩn này. Từ 28-4 trở đi, nếu ở VN xuất hiện một bệnh nhân SARS mới thì có thể khẳng định ca bệnh này du nhập từ ngoài vào chứ không phải lây lan từ những trường hợp trước đây. Theo bà, nếu trường hợp này xảy ra, những kinh nghiệm đã có sẽ giúp VN khống chế tốt dịch bệnh, không cho nó lây lan thêm.

“Chúng tôi chúc mừng những thành công của VN trong phòng chống SARS. Được như vậy là nhờ Bộ Y tế và các cơ sở điều trị ngay từ đầu đã nhanh chóng triển khai các biện pháp cách ly người mắc dịch và giám sát chặt chẽ nhóm có tiếp xúc với bệnh nhân SARS. Để có được thành công này, VN đã phải trả giá đắt với 5 bác sĩ, nhân viên y tế thiệt mạng vì chăm sóc bệnh nhân SARS” - bà Brudon nói.

Bà Brudon cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, VN vẫn phải nỗ lực tiến hành các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh đến từ nước ngoài. Các ca bệnh mới (nếu có) cần được phát hiện sớm để điều trị và cách ly ngay. Nếu để họ kịp tiếp xúc và làm lây bệnh cho những người khác, ngành y tế sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm các trường hợp này.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến cũng khẳng định VN đã hoàn toàn khống chế được dịch. Tuy nhiên vì nằm trong vùng nguy cơ cao, có biên giới đất liền và trên biển với Trung Quốc - nơi có số bệnh nhân SARS đông nhất thế giới, nên các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục cảnh giác cao với nguồn bệnh bên ngoài, tăng cường kiểm dịch cửa khẩu. Bộ Y tế giữ nguyên khuyến cáo hạn chế các cuộc hội họp đông người.

Đối với những công dân VN sống, học tập hoặc làm việc ở những nước đang có dịch SARS, Bộ trưởng cho rằng tốt nhất là không nên về nước trong dịp này. Nếu về, họ nên có giấy chứng nhận không mắc SARS ở cơ quan y tế sở tại. Khi làm thủ tục nhập cảnh, họ phải kê khai sức khỏe theo mẫu của Bộ Y tế, trải qua các bước kiểm dịch khác và khai báo những địa điểm sẽ đến ở VN. Trong vòng 14 ngày sau khi nhập cảnh, những người này được giám sát y tế để có thể đảm bảo là không mang mầm bệnh về nước.

Bà Chiến cũng cho biết, hôm qua, lãnh đạo Bộ Y tế đã báo cáo tình hình dịch SARS với Bộ Chính trị. Bộ Chính trị chủ trương ưu tiên kiểm soát, ngăn ngừa SARS để bảo đảm sức khỏe người dân, dù có phải chịu thiệt hại về kinh tế, du lịch. Tuy nhiên, theo bà Chiến, nếu người dân có hiểu biết về dịch bệnh và thực hiện tốt các phương pháp phòng chống thì vẫn có thể phát triển các hoạt động kinh doanh du lịch mà không làm bệnh lây lan.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên nước ngoài về khả năng cấp cứu SARS ở những vùng xa xôi hẻo lánh, bà Chiến cho biết, tất cả các địa phương có nguy cơ cao đều đã tăng cường các đội cấp cứu và xe đặc chủng. Khi phát hiện người nhiễm bệnh, nhân viên y tế sẽ lập tức khoanh vùng dịch tễ để tránh lây lan và dùng xe đặc chủng chở bệnh nhân đến cơ sở điều trị SARS. Bà Brudon cũng nói thêm, các công tác trên có thể thực hiện dễ dàng ở cả vùng sâu, không cần có dụng cụ tối tân. Với hệ thống y tế dự phòng rộng khắp, bà tin rằng VN sẽ làm tốt việc phát hiện và khu trú dịch.

Khó khăn lớn nhất của công tác phòng chống SARS tại VN hiện nay chính là sự thiếu thốn các trang thiết bị như máy chụp X-quang, máy thở, các hóa chất, thuốc men, đặc biệt là tại các tỉnh vùng biên giới. Để hỗ trợ các tỉnh nguy cơ cao, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường các phương tiện chống dịch, đồng thời giúp tập huấn về SARS cho cán bộ y tế địa phương. Bộ cũng đã đề nghị Chính phủ duyệt chi thêm 40 tỷ đồng để mua sắm thiết bị, hỗ trợ các cán bộ y tế đã tử vong vì SARS và công tác diệt trùng tại các bệnh viện. Bộ Y tế cũng đã xây dựng dự thảo chính sách mới về phụ cấp trực, phụ cấp phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm. Bộ đang tiến hành hỏi ý kiến các bộ ngành liên quan để trình lên Chính phủ.

. VnExpress

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xem bóng đá đẩy lùi cơn đau tim?  (27/04/2003)
Cách tự chế nước uống để giữ gìn sắc đẹp  (25/04/2003)
Người dân Ân Sơn đã được chăm sóc y tế tốt hơn  (25/04/2003)
Những yếu tố hỗ trợ khi cần bổ sung canxi  (24/04/2003)
Bệnh dại và biện pháp phòng chống  (23/04/2003)
Năm việc về phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp  (23/04/2003)
Ăn uống thế nào khi mang thai  (23/04/2003)
Những đổi thay của lứa tuổi vị thành niên  (21/04/2003)
Dùng điện thoại di động có hại hay không?  (20/04/2003)
Chúng tôi đã chuẩn bị đối phó với SARS...  (20/04/2003)
Thể thao cho những cơ thể không bình thường  (17/04/2003)
Khẩu trang và mặt nạ bảo vệ có ngăn ngừa được SARS?  (17/04/2003)
Tác hại của Foocmon và hàn the trong thực phẩm   (16/04/2003)
Đã có thiết bị thử nhanh SARS  (16/04/2003)
Ăn gì bổ nấy dưới khía cạnh y học  (15/04/2003)