Viêm não Nhật Bản là một bệnh lây truyền do siêu vi gây ra được phát hiện đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1924, thường xảy ra ở trẻ em các nước Đông Á, đặc biệt là các vùng ven biển thuộc Nhật Bản, Trung Quốc, Malaixia, Việt Nam… nguyên nhân truyền bệnh từ một loại muỗi có màu đen tuyền, thường gọi là “muỗi đen”, có tên khoa học: Culex-tritaeniorhynchus.
Khi trẻ bị muỗi đen đốt, siêu vi viêm não Nhật Bản đã vào cơ thể, sau 5-15 ngày bệnh sẽ phát. Khi đó, trẻ xuất hiện một số triệu chứng đặc biệt gọi là “Hội chứng não cấp”, đó là: sốt đột ngột hơn 390C kèm theo nôn ói, vật vã, đau đầu. Kế tiếp là rối loạn vận động, trẻ có những cử động chân tay tự phát như đập tay đập chân, có trẻ liệt tay, liệt chân, có trường hợp trẻ co giật ở mặt, nhếch môi nháy mắt, nặng hơn có thể co giật toàn thân. Rối loạn tâm thần thường xảy ra đồng thời với rối loạn vận động hay sau đó 1-2 ngày và xuất hiện ở khoảng 90% bệnh nhân, lúc đó trẻ lừ đừ, chỉ trả lời ú ớ, có khi nói sảng, nếu ở thể nặng thì hôn mê.
Tuy nhiên, Hội chứng não cấp nói trên cũng có thể thấy ở nhiều trẻ bị viêm não do các siêu vi khác, chứ không chỉ thấy ở viêm não Nhật Bản. Do đó, việc xác định bệnh nhất thiết phải do bác sĩ khám và làm các xét nghiệm cần thiết.
Viêm não Nhật Bản là một bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao (>12%), cao hơn tất cả các bệnh viêm não do các siêu vi khác gây ra. Điều đáng quan tâm là bệnh thường để lại các di chứng nghiêm trọng ở não như: liệt tay, chân co giật, ngớ ngẩn (con số này chiếm khoảng 70%). Do đó tất cả các trẻ bị bệnh này phải được điều trị chu đáo ngay từ lúc bệnh mới mắt đầu.
Để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, cần phải tích cực diệt muỗi, khi trẻ ngủ phải nằm màn; vệ sinh môi trường nhà ở cho thật tốt và tốt nhất là cho trẻ chích ngừa viêm não Nhật Bản ở các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành.
. DS Ngọc Hòa
(Trung tâm TT-GDSK Bình Định)
|