Cột sống đóng vai trò như một chiếc “cột đại” chống đỡ toàn bộ cơ thể, ngoài ra cùng với vài phụ tiết khác góp phần giảm xóc, chống rung. Chịu áp lực mọi lúc nên nếu thêm vào những chịu đựng bất thường khác, cột sống rất dễ bị lệch khỏi “đường dây dọi” sinh lý, gọi là vẹo cột sống. Tư thế sai lệch luôn là nguyên nhân hàng đầu như ngồi xiêu vẹo do bàn ghế thiết kế không đúng tầm vóc, thiếu ánh sáng nên phải luôn nghiêng ngó… đứng khuỵu chân, ngoẹo đầu; đi thọc tay vào túi quần làm mất khả năng tham gia giữ thăng bằng của 2 tay… Còn lại, thường là do lao động nặng, nhất là thường xuyên thực hiện ở một bên cơ thể như gánh hàng, đội vật nặng, xách nước một tay, ẵm em bé… Đương nhiên nếu mắc thêm chứng còi xương, suy dinh dưỡng, dị tật xương có sẵn… thì rất dễ dẫn đến xô lệch cột sống. Hậu quả vẹo cột sống không chỉ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn đe dọa thị giác, gây mệt mỏi, ảnh hưởng trí lực, bẹp xương lồng ngực làm ảnh hưởng đến tim phổi. Trẻ gái còn để lại “di chứng” lệch khung chậu, không tốt cho việc sinh nở sau này…
Thế nào là vẹo cột sống? Trừ những trường hợp quá rõ ràng, còn lại nên lưu ý 2 điểm sau: nhìn thẳng từ phía sau, cột sống phải theo “đường dây dọi” sinh lý, tức trục của nó phải vuông góc với mặt phẳng ngang nhưng nếu nhìn nghiêng cột sống lại có hình cong gần như chữ S vì có 4 đoạn cong sinh lý. Từ đó, tạm đưa ra 3 mức độ vẹo. Độ 1: nhìn thật kỹ mới thấy, mức độ này sửa chữa rất khả quan. Độ 2: đi đứng bình thường nhận thấy ngay, nếu đứng thẳng thì có giảm bớt. Độ 3: khá rõ ràng ở bất kỳ tư thế, ngay cả khi cố đứng thẳng, giai đoạn này khắc phục rất khó, đòi hỏi chuyên môn sâu. Thực ra, muốn đánh giá chính xác không chỉ nhìn mà còn phải sờ nắn, thậm chí có thể mắc một sợi dây dọi để kiểm tra. Người ta khuyên bệnh nhân nên cởi trần, đi chân đất, hai tay buông thõng tự nhiên, đứng trên nền gạch bằng phẳng, 2 gót chụm lại, mắt nhìn thẳng. Người đánh giá đứng phía sau quan sát sơ bộ bằng mắt, sau đó ấn vừa phải lên da lưng kéo dài từ cổ xuống thắt lưng để “hiển thị” hình dạng cột sống qua một vệt đỏ dài theo đường ấn do các gai cột sống tỳ vào da lưng, từ đó đánh giá độ lệch khỏi đường “dây dọi”.
. N.V
(Theo tài liệu y học)
|