Bệnh đường hô hấp là bệnh thường gặp, chiếm tỷ lệ lớn trong bệnh lý ở trẻ em, khoảng từ 30% - 55%. Trung bình trẻ em dưới 3 tuổi, một năm sẽ mắc khoảng từ 3-10 lượt nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính, nếu không được khám và điều trị tốt sẽ dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi. Bệnh đường hô hấp ở trẻ em thường xảy ra khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là từ thu sang đông và từ đông sang xuân, môi trường nóng, lạnh đột ngột.
Các bệnh về đường hô hấp bao gồm bệnh đường hô hấp trên và bệnh đường hô hấp dưới. Ở bệnh đường hô hấp trên gồm: Viêm mũi cấp; viêm VA cấp tính; viêm VA mãn tính; viêm A mi đan cấp tính; viêm A mi đan mãn tính; viêm họng đỏ. Ở bệnh đường hô hấp dưới gồm: Viêm phế quản, viêm phổi.
Trẻ em hay bị mắc nhiễm khuẩn hô hấp là do đặc điểm về cấu tạo giải phẫu vùng mũi họng của trẻ em: họng là ngã tư của đường ăn uống và đường hô hấp; mũi họng thông nhau. Vì thế viêm mũi và viêm họng thường hay đi kèm với nhau. Niêm mạc mũi là niêm mạc tiết nhầy, nhờ có chất nhầy đó mà không khí thở qua mũi được lọc sạch bụi và vi khuẩn, có độ ấm và ẩm cần thiết. Trẻ càng nhỏ thì hốc mũi càng hẹp, khi bị viêm nhiễm chất nhầy sẽ càng tăng tiết hơn, càng làm hốc mũi hẹp hơn, trẻ phải thở bằng miệng. Vì vậy chức năng lọc và sưởi không khí của niêm mạc mũi không có nữa, không khí trẻ hít vào phổi sẽ không được “lọc sạch” bụi và vi khuẩn. Điều đó lý giải tại sao khi bị viêm mũi họng thì trẻ rất dễ có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản, viêm phổi.
Khi trẻ nhiễm lạnh đột ngột hoặc gặp khi thời tiết thay đổi trẻ dễ mắc bệnh. Với những trẻ đẻ non, nhỏ yếu, suy dinh dưỡng khả năng chống đỡ với bệnh tật kém càng dễ mắc bệnh và thường bị nặng. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do virus, lây qua nước bọt, nước mũi có virus vào không khí.
Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên cấp tính sẽ diễn biến trong vòng vài ba ngày với các dấu hiệu sốt cao hoặc vừa phải ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, giọng mất đi. Ở trẻ em dưới 1 tuổi đôi khi nôn nhiều, quấy khóc. Khi khám họng lúc đó sẽ thấy niêm mạc họng đỏ rực. Sau đó các dấu hiệu trên mất đi. Khi bị bội nhiễm các vi khuẩn trên, bệnh sẽ diễn biến nặng lên, trẻ hay bị viêm phế quản, viêm phổi. Đặc biệt, nếu bị bội nhiễm do liên cầu khuẩn nếu không được điều trị đúng sẽ có nguy cơ biến chứng gây thấp tim, việc điều trị sẽ lâu dài tốn kém và ảnh hưởng đến việc học tập cũng như sức khỏe của trẻ.
Viêm tai giữa cấp cũng là một biến chứng hay gặp của nhiễm khuẩn hô hấp trên cấp tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây thủng màng nhĩ, giảm thính lực hoặc nặng có thể gây biến chứng nội sọ do viêm tai.
Cách phòng chống bệnh đường hô hấp cấp như sau: về mùa đông phải luôn giữ ấm cho trẻ, mặc áo ấm, đi tất, đi giày dép, đội mũ, quàng khăn giữ ấm vùng họng, cổ, không cho trẻ ngủ nơi gió lùa. Mùa hè tránh để trẻ bị quần áo thấm nhiều mồ hôi ngấm lạnh vào người; không để trẻ trực tiếp ngủ dưới quạt máy.
Vào những ngày nhiệt độ chênh lệch lớn (khi chuyển mùa) cần chú ý cởi bớt quần áo khi nóng và mặc thêm khi lạnh. Khi trẻ đang nóng, toát mồ hôi không nên tắm ngay, tắm xong phải được lau khô ủ ấm ngay, không tắm ở nơi gió lùa. Không cho trẻ ăn, uống đồ lạnh. Khi trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính thì cần phải được chăm sóc theo dõi chu đáo. Đặc biệt là chăm sóc mũi bằng cách hút sạch các tiết dịch ở mũi bằng mọi cách và sau đỏ rỏ các thuốc sát khuẩn nhẹ và co mạch như: Otivin 0,05‰; Sulfarin 1%; Acyrol 1%… Không nên tự pha thuốc nhỏ mũi để dùng vì dễ gây biến chứng nguy hại. Kháng sinh chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ đã khám bệnh.
. (Theo tạp chí GĐ và TE)
|