Vẩy nến (psortasis vulgarig) là một bệnh ngoài da mãn tính, hay tái phát và thường gặp (chiếm khoảng 2-3% dân số thế giới). Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nam bị nhiều hơn nữ, trên da có những sẩn đỏ và vẩy dễ bong, màu trắng ánh bạc. Kích thước sẩn đỏ có thể nhỏ bằng hạt kê, móng tay, hay đồng xu, hoặc liên kết thành diện rộng to bằng bàn tay, sờ nắn vào hơi cộm, ranh giới rõ rệt, màu đỏ tươi ráo. Trên nền sẩn đỏ có vảy ánh bạc phủ thành nhiều lớp dễ bong thành lớp mỏng như khi ta cạo lên một vết nến nhỏ và mỏng. Vẩy nến có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên da, nhưng đầu tiên hay gặp ở những vị trí hay tì đè như khuỷu tay, đầu gối, mặt trước cẳng chân, lưng, da đầu. Bệnh không ngứa hoặc ngứa ít, không ảnh hưởng nhiều đến toàn thân (trừ thể nặng đỏ da toàn thân, vẩy nến thể móng khớp, thể mủ).
Gần đây nhờ vào những tiến bộ khoa học như miễn dịch học, di truyền học đã xác định bệnh vẩy nến có cơ địa di truyền và cơ chế tự miễn dịch. Tuy nhiên, quy luật di truyền của bệnh đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Không nhất thiết mọi người có gen gây bệnh đều sẽ bị vảy nến, mà phải có những điều kiện khác tác động thì mới nảy sinh bệnh: đó là strees nhiễm khuẩn, chấn thương thượng bì, một số thuốc, thức ăn, rượu… tác động và tạo ra các kháng nguyên làm thay đổi đáp ứng miễn dịch, hoạt động một số tế bào bệnh vẩy nến xuất hiện. Cơ chế sinh bệnh nổi bật nhất ở bệnh vẩy nến là sự tăng sản mạnh mẽ lớp thượng bì của da, hoạt động tổng hợp phân tử AND và phân chia nhân tế bào tăng gấp 8 lần so với bình thường, chu chuyển tế bào từ lớp đáy lên lớp sừng từ 23-30 ngày rút xuống còn 3-4 ngày… Hậu quả của các quá trình trên dẫn đến dày sừng, rối loạn biệt hoá tế bào sừng, tạo nhiều vảy á sừng, bong vảy liên tục.
Chẩn đoán bệnh vẩy nến khá dễ dàng nhưng việc điều trị lại rất khó khăn. Chưa có phương pháp nào chữa khỏi hẳn được bệnh vẩy nến. Bệnh này được chữa trị tại chuyên khoa da liễu, điều trị ngoài da là chủ yếu, điều trị nội khoa chỉ có tính hỗ trợ, bệnh ổn định từng đợt và tái phát không theo chu kỳ (thông thường về mùa đông vẩy nến tái phát nhiều lên, còn về mùa hè thì giảm đi, có người bệnh ổn định được 2-4 năm rồi mới lại tái phát).
Người bệnh vẩy nến không nên tự ý bôi thuốc Flucinar- đó là thuốc có Corticoid, dùng nhiều, dùng luôn có những tác dụng phụ có hại cho da, dễ làm cho bệnh tái phát nặng hơn. Người bệnh nên khám và chữa tại các Trung tâm Da liễu, hoặc viện Da liễu để được điều trị thích hợp với tình trạng bệnh giúp cho bệnh mau ổn định. Vì là bệnh mãn tính hay tái phát, cần phải xác định tư tưởng an tâm, tránh bi quan quá lo buồn, tinh thần cần thoải mái trong điều trị để bệnh mau thoái lui, phấn đấu giữ cho bệnh được ổn định thích hợp với sinh hoạt và lao động tương đối bình thường. Cần tránh ăn uống các chất kích thích, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lào, thuốc lá. Sinh hoạt, lao động, thể dục thể thao điều độ phù hợp với trạng thái sức khoẻ.
. (Theo báo Phụ nữ Việt Nam)
|