Thức ăn đường phố - S.O.S!
17:34', 5/5/ 2003 (GMT+7)

Những ngày gần đây, khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Định liên tiếp nhận vào các trường hợp ngộ độc thực phẩm. Một trong những trường hợp nghiêm trọng nhất là vụ ngộ độc 16 người ở xã Cửu An, An Khê, Gia Lai trong một gia đình sau khi ăn giỗ, đã có hai bà cháu tử vong, bốn trường hợp nặng được chuyển đến cấp cứu tại BVĐK tỉnh Bình Định vào ngày 18-4-2003.

Trong tỉnh, tuy chưa có trường hợp nào nghiêm trọng nhưng đã có trên 10 bệnh nhân phải nhập viện, đa số do thức ăn đường phố như: ốc, bún, phở, cháo lòng, gỏi… với các triệu chứng dễ nhận biết như: đau quặn bụng, tiêu chảy liên tục, buồn nôn, sốt.

Như chúng ta đã biết, môi trường kém vệ sinh nhất là nơi có mức độ nhiễm khuẩn cao nhất. Khói xe, bụi bặm, nguồn nước bị ô nhiễm, ruồi… là nguyên nhân chính gây nhiễm vi sinh vật và phát triển các độc tố sinh học biển (có trong ốc, hến, ghẹ…). Thói quen ăn uống trên hè phố của một bộ phận nhân dân đã tạo cơ hội cho một số loại vi khuẩn phát triển mạnh. Có người ăn, phải có kẻ bán và họ bán thức ăn sẵn, nước uống tự chế như: nước đậu nành, nước mía, nước đậu xanh… ở bất cứ nơi đâu: trên vỉa hè, trước cổng trường, trước và trong sân ga hay ngay nơi công trường đang thi công xây dựng…

Ngay từ sáng sớm, trên nhiều đường phố tại Quy Nhơn có rất đông người “giải quyết” bữa sáng ở các quán vỉa hè. Ở đây, có thể thấy từ các em học sinh tiểu học đeo khăn quàng đỏ đến các anh chị công nhân lao động, cán bộ công chức… ai cũng thản nhiên ăn những món mà họ thích: bánh cuốn, bánh canh, bánh xèo, bánh bèo, cháo lòng bánh hỏi, bún cá, bún giò, cơm tấm… nhưng hầu như không ai để ý rằng có những món được nấu từ hôm trước. Xung quanh các quầy quán này ruồi thản nhiên đậu. Đôi khi, chủ quán cũng phẩy tay cho đám ruồi bay lên nhưng chúng lại đáp xuống như để chứng tỏ rằng mình đang có mặt thường xuyên ở đây. Nhưng như thế cũng chưa hết, hãy thử nhìn vào phía sau một gánh hàng rong, những bàn tay thoăn thoắt rửa những tô, bát, đĩa mà các vị khách trước đã ăn trong một xô nước… đục, rồi chúng được xếp ngay ngắn trở lại, đợi những người khách mới. Ở một số quầy quán, người bán cứ vô tư dùng tay bốc bún hay rau cho khách mà bàn tay thì cáu bẩn vô cùng. Đây là môi trường cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển như: tả, tiêu chảy, lỵ amip, lỵ trực trùng, thương hàn, chiếm trên 32% các vụ ngộ độc thực phẩm.

Thực phẩm nhiễm vi sinh vật chiếm tỷ lệ rất cao trong các xe hàng rong như sữa bò tươi, sữa đậu nành, sữa đậu xanh… Vi trùng có thể tồn tại và phát triển ở nhiệt độ từ 10-60 độ C và phát triển nhanh chóng từ 25-45 độ C trong các món ăn giàu dinh dưỡng như: thịt, cá, trứng, sữa… Ở khí hậu nhiệt đới, vi trùng càng sinh sản nhanh, chỉ sau 4 giờ một con vi khuẩn có thể phát triển thành 4.000 con tùy loại. Các loài nghêu, sò, ốc, hến sống ở vùng nước bị ô nhiễm, rau quả được bón bằng phân tươi thường bị nhiễm các siêu vi trùng gây bệnh tiêu chảy, bại liệt, viêm gan.

Vậy nên, để tránh các bệnh nghiêm trọng do ngộ độc thực phẩm, chúng ta hãy từ bỏ thói quen ăn uống ở đường phố, nếu còn “vương vấn” thì cần phải chọn quán cho sạch sẽ, thức ăn còn nóng đã được nấu chín, bảo quản kỹ trong tủ kính và người bán không tùy tiện sử dụng tay để bốc thức ăn.

. Ngọc Hòa

(Trung tâm Truyền thông – GDSK)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vẩy nến - bệnh hay gặp  (04/05/2003)
Bệnh đường hô hấp ở trẻ em  (02/05/2003)
Vẹo cột sống  (01/05/2003)
Viêm não Nhật Bản ở trẻ em  (30/04/2003)
Cẩn thận với bệnh thiểu năng tuần hoàn não  (29/04/2003)
Việt Nam đã hoàn toàn khống chế dịch SARS!  (28/04/2003)
Xem bóng đá đẩy lùi cơn đau tim?  (27/04/2003)
Cách tự chế nước uống để giữ gìn sắc đẹp  (25/04/2003)
Người dân Ân Sơn đã được chăm sóc y tế tốt hơn  (25/04/2003)
Những yếu tố hỗ trợ khi cần bổ sung canxi  (24/04/2003)
Bệnh dại và biện pháp phòng chống  (23/04/2003)
Năm việc về phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp  (23/04/2003)
Ăn uống thế nào khi mang thai  (23/04/2003)
Những đổi thay của lứa tuổi vị thành niên  (21/04/2003)
Dùng điện thoại di động có hại hay không?  (20/04/2003)