Mặc dù Việt Nam đã khống chế thành công bệnh SARS, nhưng trên thế giới, diễn biến bệnh vẫn còn rất phức tạp. Các chuyên gia y tế lưu ý: Chỉ khi nào thế giới thanh toán được SARS thì VN mới có thể yên tâm được vì đây là dịch bệnh mang tính chất toàn cầu. Vì vậy, mỗi người dân cần chủ động phòng ngừa SARS.
* Cơ chế lây nhiễm
Giáo sư Hoàng Thủy Long, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng ban Đặc nhiệm phòng chống dịch khẩn cấp (Bộ Y tế) cho biết bệnh SARS là do một loại virút gây nên. Bệnh lây từ người bệnh này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp theo đường hô hấp, niêm mạc mắt. Con đường chính truyền bệnh là những hạt nước bọt từ trong khí quản của người mang vi rút SARS bắn vào người có tiếp xúc trực tiếp với họ. Những hạt nước bọt này siêu nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Người bị nhiễm SARS sẽ phát bệnh sau 2 đến 10 ngày với những triệu chứng: Sốt 380C trở lên, ho khan, đau mỏi cơ, đau đầu, tức ngực khó thở… Để phát hiện đã nhiễm SARS hay không, nên chụp X quang phổi. Nếu thấy phổi có đốm trắng, nghĩa là phổi đã bị tổn thương cộng với những biểu hiện như trên là những dấu hiệu đã bị nhiễm bệnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), SARS do loại virút mới chưa từng có ở con người gây ra. Các nhà khoa học trên thế giới đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về con đường lây nhiễm SARS. Ví dụ, theo các nhà khoa học Mỹ, khi ho những người nhiễm SARS thường đưa tay lên mũi và miệng, khiến dịch chứa virút SARS bám vào tay, rồi dính vào điện thoại, bảng điều khiển thang máy… Đây chính là con đường SARS lây nhiễm nhanh và rộng nhất.
* Các biện pháp tự phòng
Bộ Y tế đã đưa ra những khuyến cáo phòng chống căn bệnh này. Cụ thể nên đảm bảo vệ sinh hàng ngày như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi hắt hơi, ho. Vệ sinh mũi, họng bằng các dung dịch diệt khuẩn đường hô hấp, các thuốc sát trùng tổng hợp để bảo vệ niêm mạc đường hô hấp. Ngoài ra mỗi người cần tăng cường sức khỏe cho mình bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, hít thở không khí trong lành và tập thể dục thường xuyên.
Để tránh được nguy cơ nhiễm bệnh, người dân tạm thời hạn chế đi du lịch, tham quan hay tụ họp ở những nơi đông người, trừ khi có việc thật cần thiết thì mới đến những nơi đang xảy ra dịch bệnh phức tạp như Quảng Đông (Trung Quốc), Đài Loan, Singapore, Canada… Đối với những người trở về nước từ khu vực có dịch cần phải khai báo ngay tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được giám sát phòng bệnh trong vòng 14 ngày.
Điều đặc biệt đáng chú ý là cần hạn chế tối đa các tiếp xúc với người mắc bệnh SARS, trường hợp buộc phải tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang, găng tay, mũ, kính chuyên dụng và quần áo phòng bệnh. Khi có những triệu chứng như ho, thở nặng, đau mỏi cơ… thì điều cần thiết nhất là nên đến cơ sở y tế gần nhất để làm các xét nghiệm xem có đúng mắc SARS hay không. Bằng phương pháp phân lập chỉ sau 6 giờ xét nghiệm, sẽ có kết quả chẩn đoán là có bị nhiễm bệnh hay không. Nếu phát hiện đúng là SARS thì sẽ được cách ly và điều trị kịp thời. Chi phí cho xét nghiệm này là 500.000 đồng. Trước mắt Nhà nước sẽ miễn phí hoàn toàn trong những trường hợp xét nghiệm SARS.
Giáo sư Hoàng Thủy Long cho biết thêm, vi rút gây SARS có thể sống trong không khí 3 giờ. Nhưng nguy cơ nhiễm bệnh từ môi trường gián tiếp là rất nhỏ. Nhằm hạn chế sự tồn tại của SARS, nhà ở, trường học, buồng ngủ… nên thông thoáng, sạch sẽ. Điều kiện nhiệt độ cao, có gió và ánh nắng mặt trời sẽ phát tán mật độ và rút ngắn độ tuổi của vi rút gây SARS.
|