Cách đây 14 năm, Tổ chức Y tế thế giới đã dành riêng một cuộc hội thảo để bàn về tác hại của thuốc lá đối với phụ nữ. Tại cuộc họp khá kỳ lạ này, người ta đã phân tích tất cả các khía cạnh liên quan đến những chứng bệnh phụ nữ có xuất xứ từ hành vi hút thuốc của chị em. Đồng thời nhận định những tác hại ấy có thể ảnh hưởng đến chất lượng dân số loài người…
Nhiều nhà sản xuất thuốc lá trên thế giới đã quảng cáo rầm rộ về những thương hiệu thuốc lá dành riêng cho phụ nữ. Phụ nữ ở một số nước phát triển cũng có xu hướng muốn bằng cách đó xác nhận quyền tự do của mình. Đồng thời họ quan niệm sai lầm rằng đấy là một sự thể hiện “sự bình đẳng giới” đối với đàn ông. Vì họ cũng đã và đang tham gia càng ngày càng nhiều vào mọi lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như khoa học, giáo dục, y tế.. .
Phụ nữ ở một số nước phát triển còn cho rằng hút thuốc làm giảm strees, chống lại sự béo phì… Theo xu hướng chung, phụ nữ bất cứ ở đâu cũng rất muốn có một thân hình cân đối, mảnh mai. Theo các số liệu điều tra xã hội học, hiện nay ở các nước công nghiệp đang có khoảng 20 - 40% phụ nữ hút thuốc lá, đặc biệt là phụ nữ trẻ và từ 30% - 50% đàn ông nghiện thuốc lá. Ở một số nước thuộc khu vực châu Á, phụ nữ chịu ảnh hưởng tư tưởng “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” của đạo Khổng Mạnh, vì vậy người phụ nữ không được phép hút thuốc lá. Nhưng trong xã hội hiện đại, người phụ nữ phương Đông bắt đầu tập hút thuốc và ngày càng trở nên khá phổ biến. Tuy tỷ lệ còn thấp so với phụ nữ các nước phương Tây, chỉ vào khoảng 5% so với 40 - 60% ở đàn ông. Tuy vậy, người phụ nữ nghiện thuốc lá sẽ gặp những nguy cơ lớn hơn nam giới, bởi lẽ họ còn phải làm thiên chức sinh sản, tái tạo ra các thế hệ kế tục cho loài người.
* Ung thư do hút thuốc
Trước năm 1950, khi người phụ nữ chưa hút thuốc lá nhiều như hiện nay, người ta nhận thấy họ gần như không mắc bệnh ung thư phổi và các bệnh tim mạch. Còn bây giờ, số phụ nữ hút thuốc và tử vong vì những khối u ác tính ở khí quản, cuống phổi và phổi càng ngày càng tăng, đặc biệt là số phụ nữ ở các nước công nghiệp phát triển. Các thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy từ năm 1950 đến nay, số phụ nữ hút thuốc lá mắc các căn bệnh u ác tính gia tăng đến 210% so với 160% ở đàn ông hút.
* Vô sinh hoặc ảnh hưởng thai nhi do hút thuốc
Một cuộc nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng 5% phụ nữ không hút thuốc lá bị vô sinh sau khi ngưng sử dụng các phương pháp ngừa thai bằng Hocmon, nhưng ở những phụ nữ hút thuốc lá nhiều thì nguy cơ thụ thai ngoài tử cung cao hơn, đồng thời dễ mắc ung thư cổ tử cung hơn và thời kỳ mãn kinh xảy ra sớm hơn 2 năm so với phụ nữ bình thường. Khi phụ nữ có thai hút thuốc, bào thai sẽ tiếp xúc với chất độc hại từ khói thuốc. Hai chất độc có trong thuốc lá là monoxyd carbon và nicotin thấm vào trong máu của bào thai làm giảm sự cung cấp oxygen và làm tăng nhịp tim. Nguy cơ sẩy thai tự phát sẽ cao hơn. Ở Mỹ, người ta đã thống kê được khoảng 11% trường hợp trẻ sinh non và 14% trẻ suy dinh dưỡng là do người mẹ hút thuốc lá trong thời kỳ thai nghén. Ở Anh, một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao hơn 28% ở những bà mẹ hút thuốc lá khi mang thai. Khi người mẹ hút thuốc lá, chất độc nicotin thấm vào sữa làm đứa bé bị ngộ độc lây. Những đứa trẻ mà cha mẹ hút thuốc thường hay đau ốm và có nguy cơ viêm phế quản, viêm tai cao hơn gấp 2 lần trong năm đầu tiên.
* Hút thuốc hại tim mạch, làm loãng xương, già sớm
Phụ nữ đang sử dụng thuốc uống ngừa thai hút thuốc lá sẽ rất dễ đau tim và bị chứng huyết khối tĩnh mạch cao hơn đối với những người không hút thuốc. Nguy cơ này đặc biệt gia tăng sau 40 tuổi, khi ấy huyết áp và cholesterol trong máu tăng cao hơn mức bình thường. Mặt khác, sau khi mãn kinh, xương của những phụ nữ hút thuốc lá trở nên giòn hơn do loãng xương nên dễ gãy khi bị chấn thương. Sự nhiễm độc khói thuốc lá rất có hại cho da, vì chất nicotin tạo sự co mạch, làm giảm tuần hoàn máu và giảm cung cấp oxy, làm cho da nhăn và lão hóa nhanh, tóc bạc sớm hơn. Ngoài ra, những tiểu phần khói thấm vào da tạo nên một mùi hôi, đồng thời bít kín các lỗ chân lông. Da đầu không được nuôi dưỡng đầy đủ nên tóc trở nên mỏng manh, dễ rụng và đứt gãy. Khói thuốc kích thích mắt làm cho kết mạc dễ bị viêm. Chất nicotin và nhựa trong thuốc lá có thể làm răng phai màu và làm cho nướu răng dễ bị thoái hóa. Hơi thở người hút thuốc thường có mùi hôi và giọng nói cũng có thể bị biến đổi.
Phụ nữ nhiễm độc khói thuốc lá không chỉ bằng cách hút. Nhiều phụ nữ vùng nông thôn nước ta thường dùng sợi thuốc lá ăn kèm với trầu cau. Tương tự như vậy phụ nữ Ấn Độ cũng cho thêm vài giọt chanh và gia vị khác rồi nhai. Họ còn dùng một loại thuốc lá nướng ngậm trong miệng hoặc “hút ngược”, để đầu cháy bên trong miệng. Do những thói quen nói trên nên tỷ lệ phụ nữ Ấn Độ thường bị ung thư răng miệng cao gấp 3 - 7 lần so với phụ nữ ở các nước phương Tây.
Các chuyên gia y tế thế giới cho biết, tác hại của thuốc lá có tính tích lũy và chỉ xuất hiện sau một thời gian dài, những thanh niên nào khởi sự hút thuốc lá sớm sẽ chết vì những tác dụng của thuốc lá trong vòng 40 năm sau. Điều đáng báo động là số thanh niên hút thuốc lá ngày càng tăng nhanh. Trên thế giới hiện có 2 tỷ người dưới 20 tuổi hút thuốc. Theo đó, sẽ có 10% số này, tức vào khoảng 200 triệu người chết trong mấy chục năm sau vì nhiễm độc thuốc lá. Thật là một điều khủng khiếp. Ngoài ra, ở lứa tuổi thanh niên, các tập tính có liên quan với nhau như, hút thuốc, uống rượu và sử dụng ma túy…
. Nguyễn Tấn Tuấn
|