Những lời khuyên dành cho người bị thấp khớp
17:27', 19/5/ 2003 (GMT+7)

Bác sĩ Đại Phi Vân (Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh) đưa ra một số lời khuyên về hoạt động đối với người bị thấp khớp.

Nhiều bệnh nhân thắc mắc khi bị thấp khớp, thường có nhiều lời khuyên khác nhau, đôi lúc trái ngược nhau. Như có người khuyên nên tập đi, có người lại bảo không nên đi hoặc không tập vận động các khớp bị bệnh, vậy đâu là điều nên làm?

* Qua cơn đau cấp, phải tập vật lý trị liệu

Các khớp bị đau, viêm nên chia làm 2 loại: cấp tính và mãn tính. Mục tiêu vận động các khớp bị đau nhằm ngăn ngừa cứng khớp, phục hồi chức năng vận động, giảm đau, tăng cường sức cơ và tránh teo cơ.

Trong cơn viêm cấp, có triệu chứng sưng nóng, đau ở khớp như viêm khớp dạng thấp cấp, gout cấp, thoái hóa khớp gối, háng và đau lưng cấp tính. Bệnh nhân sẽ được cho nghỉ ngơi toàn thân, các khớp đau sẽ được bó im, tránh cử động mạnh và đi khoảng cách xa tạm thời, đặc biệt phải được ổn định về tâm lý và stress. Đồng thời với các biện pháp trên, bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm tùy theo mức độ nặng nhẹ như sử dụng paracetamol, thuốc kháng viêm không steroide để làm dịu cơn đau.

Qua cơn đau cấp, bệnh nhân phải được tập vật lý trị liệu càng sớm càng tốt. Có nhiều phương pháp như chườm nóng, tắm nước nóng trong bồn để tránh co cơ, giảm đau và tăng cường biên độ cử động của khớp hay sử dụng siêu âm điều trị để giảm đau ở các cơn đau cấp và mãn tính. Tùy theo bệnh trạng, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn phương pháp tập tại nhà hay tại phòng vật lý trị liệu của bệnh viện.

* Thoái hóa khớp, đi xe đạp tốt hơn đi bộ

Ở các bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối, đau vùng gối khi đi lại, lên xuống thang lầu bị đau, quá cân (mập) bệnh nhân nên giảm cân và tránh đi lại nhiều, xa (khoảng cách hơn 100 m) trong giai đoạn đầu, sau đó nếu bớt đau mới đi xa hơn. Bệnh nhân nên tập xe đạp loại cố định hay đạp xe đi lại ở khoảng cách không cảm thấy đau sẽ tốt hơn đi bộ vì khi đi bộ sức nặng cơ thể đè lên khớp gối làm tổn thương sụn khớp và gây đau.

* Dùng thuốc bừa bãi có thể gây biến chứng khớp, teo cơ

Bệnh nhân bị đau vùng vai (viêm chu vai) nên tránh xách, vác nặng; nên sử dụng túi nóng và các loại gel có chất kháng viêm không steroide.

Nhiều bệnh nhân bị đau vùng cổ tay, rất đau khi co duỗi ngón tay cái, cơn đau dai dẳng nên mang nẹp cổ tay loại ngắn, chườm nóng, tránh xách, vác nặng và sử dụng thuốc chống đau và viêm...

Trong trường hợp đau vùng mặt ngoài khuỷu tay nên tránh xách nặng, tránh co duỗi thường xuyên cẳng tay vì động tác này làm kéo căng gân cơ ở cẳng tay vốn bị viêm càng viêm nặng hơn; nên chườm nóng, thoa gel không corticoid, tránh chơi cầu lông, tennis trong thời gian đau.

Viêm khớp bao gồm các bệnh lý ở khớp và các phần quanh khớp như dây chằng, gân cơ... Khi khớp bị viêm, các phần trên đều ít nhiều cũng bị tổn thương. Do đó sự hiểu biết của người bệnh qua tư vấn của bác sĩ chuyên khoa về khớp và chuyên viên phục hồi chức năng, về cách tập luyện, những điều nên tránh và sử dụng thuốc hợp lý sẽ tránh được các biến chứng cứng khớp, teo cơ và tổn hại trên đường tiêu hóa khi sử dụng các thuốc chống viêm không steroide, thuốc có pha trộn dexamethasone trong một số thuốc tễ, viên, bột hay thuốc gia truyền.

. (Theo NLĐ)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Quy Nhơn đi đầu  (18/05/2003)
Nghệ thuật ẩm thực và triết lý ở đời  (16/05/2003)
Khi nào cần chụp CT  (15/05/2003)
Hút thuốc không chỉ là đàn ông  (15/05/2003)
Bệnh nghề nghiệp  (14/05/2003)
Ngăn SARS từ các trọng điểm nguy cơ  (13/05/2003)
Viêm xương tủy đường máu ở trẻ em  (12/05/2003)
Cảnh giác với những viên thuốc tễ đen... gây nghiện  (11/05/2003)
Chìa khóa đã trao tay  (09/05/2003)
Ăn uống trong bệnh trĩ  (08/05/2003)
Hội chứng mãn kinh ở đàn ông  (07/05/2003)
Mỗi người có thể tự phòng ngừa SARS  (06/05/2003)
Thức ăn đường phố - S.O.S!   (05/05/2003)
Vẩy nến - bệnh hay gặp  (04/05/2003)
Bệnh đường hô hấp ở trẻ em  (02/05/2003)