Thành công bước đầu trong việc sản xuất rau an toàn ở Quy Nhơn
17:45', 20/5/ 2003 (GMT+7)

Mô hình rau an toàn tại phường Nhơn Phú

Những năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu ngày càng nhiều nên người sản xuất đã tìm mọi cách để tăng lượng rau. Trong đó có việc lạm dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, nguồn nước tưới chưa đúng yêu cầu làm cho dư lượng nitrat, các độc tố hóa học phân hủy chậm và hàm lượng kim loại nặng… còn lưu lại trong rau ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng. Gần đây có những vụ ngộ độc do người sản xuất tiếp xúc thuốc sâu hoặc do ăn phải rau có độc tố làm chết người hoặc gây suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng đến môi trường sống, đã và đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Song song với việc tuyên truyền kỹ thuật, trong 4 năm gần đây Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã dành kinh phí mỗi năm từ 15-20 triệu đồng xây dựng nhiều mô hình khuyến nông tại vùng ven thành phố Quy Nhơn và Tuy Phước để khuyến khích nông dân sản xuất và sử dụng rau an toàn. Tuy nhiên, để thay đổi một tập quán và ý thức sản xuất, đòi hỏi phải có thời gian và qui mô vận động rộng hơn. Đề cương và dự toán kinh phí đề tài nghiên cứu khoa học xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn tại TP Quy Nhơn đã được UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi chọn 33 hộ nông dân chuyên nghề trồng rau tại HTX nông nghiệp số 2 Nhơn Phú, từ tháng 10-2002 Phòng NN-PTNT Quy Nhơn đã triển khai tập huấn kỹ thuật, xây dựng 200m2 nhà lưới và qui hoạch 9.800m2 đất sản xuất rau ngoài trời. Các biện pháp kỹ thuật sản xuất rau an toàn như làm đất lên luống, làm choái, phủ bạt, che lưới, sử dụng phân bón, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh được cán bộ kỹ thuật cùng nông dân thực hiện chặt chẽ nhằm đảm bảo được năng suất, chất lượng. Việc giảm sử dụng phân bón hóa học (không dùng urê), giảm phun thuốc trừ sâu bệnh (không dùng thuốc bảo vệ thực vật nhóm độc I, II và III), sử dụng các chế phẩm sinh học và đảm bảo thời gian cách ly từ khi sử dụng thuốc đến thời điểm thu hoạch…

Mặc dù chỉ mới sản xuất được 7 chủng loại rau gồm: cải xanh, cải ngọt, cải cúc, hành, xà lách, khổ qua, đậu đũa (hoặc dưa leo) nhưng đã gây được niềm tin cho người tiêu dùng. Tính thử hiệu quả riêng loại rau xà lách theo qui trình sản xuất rau an toàn so với trước đây, năng suất cao hơn 100kg/sào, lãi ròng mỗi sào tăng hơn 193.000 đồng. Các cây rau khác cũng đều cho lãi tương tự.

Chị Lê Thị Lan, một trong 33 hộ tham gia mô hình, chân tình nói: “Cứ tưởng sản xuất rau an toàn khó lắm nên chị em chúng tôi ai cũng ngại nhưng thật sự còn ít khổ hơn. Sâu bệnh ít hơn nên giảm hẳn bơm xịt thuốc. Trước đây ngày nào cũng bơm thuốc sâu, vừa tốn tiền vừa độc hại bản thân và ô nhiễm môi trường”. Còn ông Phạm Văn Kha sau khi thực hiện 1 vụ rau an toàn đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật ngay cho toàn bộ 8 sào rau vườn. Ông Nguyễn Đình Hồng, khuyến nông viên phường Nhơn Phú, cho biết sau khi triển khai mô hình có rất nhiều hộ nông dân đến xin được hướng dẫn qui trình sản xuất rau an toàn. Điều làm cho người sản xuất yên tâm nhất chẳng những được bán với giá cao hơn rau thường 20% mà còn được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, sạch môi trường sản xuất và sản phẩm làm ra.

Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm luôn đi đôi với nhau nên dự án cũng đã đề ra phương án tiêu thụ. Ban đầu do chủng loại rau ít, nên dự định chỉ mở 1 cửa hàng rau an toàn tại chợ Lớn Quy Nhơn, nhưng về sau lượng khách hàng ngày càng đông phải mở thêm 1 quày lưu động tại chợ Quân Trấn. Bà Trịnh Thị Hồng Hoàng, người hợp đồng bao tiêu sản phẩm rau an toàn, cho biết: “Việc tiêu thụ rau an toàn ngày càng tăng (tháng 1:336 kg, tháng 2: 397kg và tháng 3: 900kg) nhưng do chủng loại rau ít (thường xuyên chỉ có từ 4-5 loại rau), sản xuất chưa đồng bộ, có lúc nhiều lúc ít nên không chủ động được nguồn hàng để cung cấp cho nhà trẻ, nhà hàng… Thế nên chúng tôi phải hợp đồng mua thêm một số chủng loại rau ở Đà Lạt (từ 1 đến 2,5 tấn/lần) mới đủ để cung ứng cho thị trường rau…”. Bà Hoàng còn cho biết sắp tới sẽ mở thêm 2 quày rau an toàn ở chợ Đầm và chợ Khu 6 để phục vụ rộng rãi hơn cho người tiêu dùng.

. Nguyễn Đình Thụy

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những lời khuyên dành cho người bị thấp khớp  (19/05/2003)
Quy Nhơn đi đầu  (18/05/2003)
Nghệ thuật ẩm thực và triết lý ở đời  (16/05/2003)
Khi nào cần chụp CT  (15/05/2003)
Hút thuốc không chỉ là đàn ông  (15/05/2003)
Bệnh nghề nghiệp  (14/05/2003)
Ngăn SARS từ các trọng điểm nguy cơ  (13/05/2003)
Viêm xương tủy đường máu ở trẻ em  (12/05/2003)
Cảnh giác với những viên thuốc tễ đen... gây nghiện  (11/05/2003)
Chìa khóa đã trao tay  (09/05/2003)
Ăn uống trong bệnh trĩ  (08/05/2003)
Hội chứng mãn kinh ở đàn ông  (07/05/2003)
Mỗi người có thể tự phòng ngừa SARS  (06/05/2003)
Thức ăn đường phố - S.O.S!   (05/05/2003)
Vẩy nến - bệnh hay gặp  (04/05/2003)