Thuốc lá là sản phẩm được phổ biến hàng chục thế kỷ qua, việc sản xuất thuốc lá đến nay được coi là một hoạt động hợp pháp của con người. Tuy vậy, mỗi năm thuốc lá lại là nguyên nhân làm cho hàng triệu người chết trên khắp thế giới. Những nước có thói quen hút thuốc lá mỗi năm có đến 90% trường hợp ung thư phổi và trên 80% các trường hợp viêm phế quản mãn tính, cùng nhiều chứng bệnh liên quan đến thói quen hút thuốc...
* Những nạn nhân trong nhà
Y học từ lâu đã khẳng định, thuốc lá là kẻ thù vô cùng nguy hiểm đối với phụ nữ và trẻ em. Người ta ước tính nếu tình trạng hút thuốc vẫn cứ tiếp diễn tự do, thì hằng năm sẽ có khoảng 150 triệu trẻ em trên thế giới bị chết yểu. Điều tệ hại nhất chính là nhiều trẻ đã trở thành nạn nhân của thuốc lá ngay khi còn nằm trong bụng mẹ.
Các nhà khoa học đã phân tích trong khói thuốc chứa nhiều chất độc hại đối với sức khỏe con người, nhất là đối với nữ giới. Nếu như lượng tinh trùng của nam giới cứ 3 tháng lại được sản sinh mới, thì trứng của người phụ nữ lại tồn tại kéo dài từ lúc 12 đến 55 tuổi. Do thời gian lâu như vậy nên buồng trứng trở thành kho chứa của mọi thứ độc tố từ bên ngoài xâm nhập vào. Khói thuốc lá ảnh hưởng đến thai nhi chỉ trong vòng 5 giây, chất độc trong cơ thể người mẹ sẽ thông qua cuống rốn, truyền tới thai nhi. Sau đó chúng tích lũy tại tế bào não, tim và thận của thai nhi. Chất độc này làm suy giảm hệ tuần hoàn, rối loạn sự chuyển hóa và làm cho quá trình hình thành xương bị chậm lại. Các nhà khoa học đã phân tích rằng, trong thời kỳ mang thai, nếu bà mẹ hút thuốc lá thì cơ cấu cuống rốn hài nhi sẽ biến đổi, bào thai sẽ bị xâm nhập bởi các độc tố nicotin và cotinin. Từ 2 tuần đầu tiên sau khi thụ thai, hệ thần kinh trung ương của thai nhi sẽ chịu tác hại nhiều nhất. Trong các tuần thứ 4 trở đi, hệ tim mạch của thai nhi sẽ bị đầu độc trước. Sau đó khói thuốc lá càng làm cho tình hình sức khỏe thai nhi trở nên nghiêm trọng khó lường.
* Ảnh hưởng từ khói thuốc
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hút thuốc thường có tỷ lệ sẩy thai tăng gấp đôi và chết mẹ khi sinh nở gấp 4 lần so với người không hút thuốc. Khi chào đời, đứa con của bà mẹ nghiện thuốc lá thường nhẹ cân hơn các cháu bé khác từ 7 - 8%. Cho đến nay, ngành y tế đã xác định có khoảng 25% số trẻ sơ sinh bị chết trong bụng mẹ do khói thuốc lá. Hậu quả của thuốc lá ngay từ khi cháu bé chào đời và cũng có thể là vài năm sau mới bộc phát. Tác hại rõ nhất thường biểu hiện từ khi trẻ bắt đầu đi học, khi đó chúng phải đầu tư nhiều hơn về sức lực và trí tuệ so với các bạn cùng lứa. Nguyên nhân là trong thời kỳ mang thai, chất CO trong máu thai nhi thường cao gấp đôi tỷ lệ ấy trong máu bà mẹ hút thuốc. Hồng cầu của thai nhi khó kết hợp với oxy nên dễ gây triệu chứng thiếu oxy và làm cho trí tuệ đứa trẻ chậm phát triển.
Trong vài chục năm gần đây, số lượng trẻ em bị dị tật bẩm sinh trên thế giới ngày càng tăng lên. Theo các nhà y khoa, một trong những tác nhân chính của vấn đề này là thuốc lá. Khoa học cũng đã chứng minh rằng, ngoài các chất độc như nicotin còn nhiều chất khác sẵn sàng gây ra các căn bệnh ung thư và làm biến đổi tính chất di truyền của cơ thể con người. Việc thường xuyên hít phải khói thuốc ở người phụ nữ thì sớm hay muộn cũng sẽ dẫn tới rối loạn bộ nhiễm sắc thể. Các nghiên cứu ý khoa đã tìm thấy trong máu người hút thuốc lá nhiều tế bào có nhiễm sắc thể bị hủy hoại. Người mẹ hút thuốc lá lâu năm sẽ để lại cho con cái của mình một “gia tài” bệnh tật về sau. Điều nguy hiểm hơn nữa là tác hại của những yếu tố di truyền không chỉ biểu hiện trực tiếp ở đứa bé mà có thể kéo dài ở các thế hệ đời con cháu của chúng sau này. Người ta còn thấy con cái của những người hút thuốc lá lâu năm thường bị mắc bệnh tim mạch bẩm sinh. Bà mẹ hút thuốc thì con cái họ sẽ sớm bị bệnh xơ cứng động mạch. Đối với loại thuốc lá có đầu lọc như hiện nay, tình trạng độc hại cũng không kém loại không có đầu lọc. Theo phân tích hóa học, thành phần trong khói thuốc lá đầu lọc có các chất đồng vị phóng xạ như Polonion - 210 không hề giảm. Đặc biệt, tỷ lệ oxyt carbon lại cao hơn thuốc không có đầu lọc.
* Lời cảnh báo thuốc lá
Thuốc lá làm cho mỗi phút có 8 người thiệt mạng trên phạm vi toàn cầu. Dự báo đến năm 2030 sẽ có khoảng 10 triệu người chết hằng năm do thuốc lá gây nên. Người ta cũng đã tổng kết rằng, ở thế kỷ 20 đã có 100 triệu cái chết liên quan đến việc hút thuốc lá trên khắp thế giới. Con số tử vong vì thuốc lá đang ngày càng gia tăng nhanh chóng và sẽ đạt con số lũy tiến 150 triệu người vào 25 năm đầu tiên của thế kỷ 21. Sẽ có trên nửa tỷ người chết vì thuốc lá vào giữa thế kỷ 21…
Ở nước ta, theo thống kê của các cơ quan chức năng trong năm 2002, số nam giới nghiện hút thuốc lá chiếm đến 72,8%, còn phụ nữ là 4,3%. Tỷ lệ thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 15 - 24 sử dụng thuốc lá chiếm 26%. Hiện nay Chính phủ đang tìm các biện pháp mạnh nhằm làm giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong nhân dân xuống còn khoảng 7%.
Phong trào chống hút thuốc lá của các nước trên thế giới lâu nay chủ yếu dựa vào hệ thống thuế, cấm nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá và đưa ra những thông điệp cảnh báo với cộng đồng các nguy cơ của thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới đang thực hiện một hiệp ước quốc tế chặt chẽ hơn, nhằm kiểm soát sản xuất thuốc lá bằng cách hạn chế tiếp thị, quảng cáo và tài trợ thuốc lá. Hiện có 191 quốc gia là thành viên của Tổ chức chống hút thuốc lá trên thế giới chuẩn bị công bố chính thức vào ngày 31-5-2003 năm nay.
Chúng ta hy vọng thuốc lá sẽ trở thành thứ hàng hóa bị loại dần ra khỏi đời sống con người. Chống hút thuốc lá sẽ là một hoạt động có ý nghĩa lớn, nhằm bảo vệ hạnh phúc và nâng cao chất lượng nòi giống của mỗi gia đình.
. Thanh Tâm
|