Men tiêu hóa được xem là những chất tham gia trực tiếp làm biến đổi và sau đó tiêu hóa đạm, đường, béo có trong thức ăn qua cơ chế bẻ gãy các kết nối hóa học và hấp thụ chúng. Mỗi loại chất chỉ cần một hoặc vài loại men riêng tác động theo những quy trình phức tạp. Đơn cử như bột, đường cần Amylase; đạm: Carboxypolypeptidase, Trypsin; béo: Lipase… Thiếu một hay nhóm men nào đó đồng nghĩa với việc kênh tiêu hóa riêng của chất mà chúng đảm nhận sẽ bị tê liệt, ăn vào thế nào ra y nguyên thế đấy, gọi là tiêu phân sống.
Men tiêu hóa được tiết ra từ tụy, gan, mật, dạ dày, ruột, nước bọt… Từ đó suy ra, khi các cơ quan “chủ quản” này gặp trở ngại hay mất hẳn chức năng thì men tiêu hóa tương ứng cũng vì thế mà ảnh hưởng. Vấn đề được đặt ra là nếu thiếu loại men nào thì chỉ cần bổ sung loại men ấy. Việc lạm dụng, dùng sai chủng loại hay dùng loại men tổng hợp “một cục” chẳng những không khỏi bệnh, mất tiền mà còn đe dọa đến chính hệ tiêu hóa của bạn. Việc đưa ồ ạt thường xuyên các men tiêu hóa ngoại lai vào cơ thể sẽ gây ra một hiệu ứng chây lười cho chính những cơ quan tiết ra chúng, lâu ngày chúng sẽ không còn hoạt động nữa, thậm chí thoái hóa hẳn.
Thực tế, chỉ những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính hoặc phải cắt bỏ hẳn các cơ quan trên thì việc dùng men tiêu hóa suốt đời mới được đặt ra. Còn thông thường, nếu có nhu cầu, các bác sĩ đều khuyên chỉ dùng men tạm thời không quá 10-15 ngày. Trong trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng, kiệt sức do bệnh mạn tính hay đang hồi phục sau bệnh tật, cần dùng men tiêu hóa dài ngày hơn nhưng cũng chỉ nên tiến hành từng đợt ngắn, có khoảng nghỉ để buộc các cơ quan tiết ra chúng phải làm việc.
. BS Đỗ Minh Tuấn
|