Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thượng Dong, Viện trưởng viện dược liệu (Bộ Y tế) khuyến cáo rằng người dân không nên "thần thánh hóa" nấm cổ linh chi như một thần dược vì nó chỉ có tác dụng bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh chứ không có tác dụng chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Ngày 27-5, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Tiến sĩ Dong cho biết nấm cổ linh chi có tác dụng điều hòa huyết áp, bồi dưỡng cơ thể với các đặc tính sinh học có tác dụng ức chế phát triển của tế bào ung thư cũng như tăng sức đề kháng miễn dịch ở các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên hiện nay có nhiều kẻ xấu lợi dụng đã thổi phồng quá mức tác dụng của loại dược này và người tiêu dùng cần cảnh giác để tránh mua phải nấm cổ linh chi giả. Phó Giáo sư Dong cho biết: bằng mắt thường không thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Bởi qua thử nghiệm mẫu cổ linh chi của Viện dược liệu bằng máy sắc kí khí hiện đại cho thấy chỉ có 1 trong số 19 mẫu có 3 nhóm hoạt chất tiêu biểu của nấm cổ linh chi!
Khi bắt đầu có "cơn sốt" nấm cổ linh chi, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Viện Dược liệu đã tiến hành thu thập và nghiên cứu 19/30 mẫu nấm cổ linh chi đang có mặt trên thị trường cả nước để phân biệt đâu là nấm cổ linh chi thật. Theo các chuyên gia, việc phân biệt nấm bằng mắt thường rất khó, nhất là khi nấm cổ linh chi ở dạng khô và trong tự nhiên lại có hàng nghìn loại nấm khác nhau. Nhưng loại nấm cổ linh chi thật cũng chỉ có giá trị chữa bệnh khi nó được phát triển trên giá thể gỗ lim hoặc trên bột gỗ lim. Khi đó, nó mới có đầy đủ 3 nhóm hoạt chất là Terpenoid, nhóm chất khử và nhóm axitamin như nấm tự nhiên. Trong tự nhiên, nấm cổ linh chi cũng có 2 họ là họ nấm cổ linh chi và họ nấm phá gỗ. Nhưng chỉ có họ nấm cổ linh chi mà tuổi thọ mỗi năm được đánh dấu bằng một tán nấm mới có tác dụng chữa bệnh còn họ nấm linh chi phá gỗ, mỗi năm cũng phát triển một tán nấm nhưng từ năm thứ 2 do không đủ chất dinh dưỡng nên tán nấm của năm trước sẽ bị hóa gỗ thì lại không có tác dụng chữa bệnh.
Bằng các phương pháp khoa học hiện đại, các cán bộ khoa học của Viện Dược liệu đã phân tích 19/30 mẫu thu thập trên thị trường nhưng chỉ có 01 mẫu có 3 nhóm chất đặc trưng của nấm cổ linh chi thật còn 18 mẫu còn lại đều có các nhóm chất lạ, không điển hình của nấm cổ linh chi. Hiện các nhà khoa học của Viện tiếp tục kiểm tra độc tính cấp của các loại nấm. Bước đầu chưa khẳng định được các chất này có độc tố hay không? Phó Giáo sư Dong cũng khẳng định: khả năng chữa bệnh của họ nấm cổ linh chi phá gỗ có hình dạng bên ngoài tương tự nấm cổ linh chi thật nhưng không có tác dụng chữa bệnh. Thông thường nấm cổ linh chi có tuổi thọ vài chục năm tuổi thường mọc ở các vùng núi rừng Tây Bắc, Tây Nguyên nước ta và các vùng rừng núi của các nước Lào và Campuchia. Hiện Viện đang nghiên cứu trồng một loại nấm có hội tụ đủ 3 nhóm hoạt chất sinh học như nấm cổ linh chi trong tự nhiên.
Sau khi một số phương tiện thông tin đại chúng đưa thông tin về tác dụng của cổ linh chi trong việc điều trị một số bệnh, trong đó có bệnh ung thư, cơn sốt săn lùng nấm cổ linh chi đã xảy ra ở nhiều địa phương. Người người, nhà nhà vào rừng săn lùng "thần dược", hàng trăm ha rừng bị tàn phá. Nhiều người nhẹ dạ, cả tin còn lâm vào cảnh "tiền mất tật mang", thậm chí còn dẫn đến khuynh gia bại sản vì tin theo những kẻ lừa đảo.
|