Nám (sạm), viêm da: Nhiều người ra nắng có biểu hiện ửng hồng và ngứa ở trên mặt, cần phải chú ý tránh tiếp xúc với nắng, vì hiện tượng đó nói lên tình trạng da của bạn đang bị viêm, dị ứng, bạn cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được xem xét.
Bỏng da: (Thường trẻ nhỏ và người có tuổi) do tiếp xúc ngoài trời nắng như lao động trên công trường, đi chơi ngoài nắng, tắm nắng ngoài bãi biển… Có biểu hiện hồng hay đỏ ửng vùng da bị phơi nắng, nếu nặng hơn có thể xuất hiện một số mụn nước rộp ở trên da, cảm nhận thấy nóng rát, da căng đau; kèm theo các triệu chứng như nhức đầu, nóng sốt toàn thân. Khi có biểu hiện trên, bạn có thể đắp khăn lạnh trên vùng da bị bỏng (không nên đắp trực tiếp nước đá), có thể bôi kem có tác dụng chống viêm, phù nề. Nếu đau nhiều có thể dùng thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Aspirin. Trường hợp bệnh nhân có diện tích bị bỏng rộng, cơ thể nóng ran, mạch nhanh, choáng váng, nôn ói hay ngất xỉu hay co giật, có khả năng người đó bị say nắng. Cần cho người bệnh nghỉ ngơi nơi thoáng mát. Ngâm tắm trong nước mát hoặc đắp ủ khăn ẩm lạnh làm hạ nhiệt độ cơ thể. Sau đó cho uống nước muối đường ấm, hoặc uống nước chanh muối, nước khoáng để bù lại nước và chất điện giải mất đi do thoát mồ hôi. Trường hợp nặng thì chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện.
Có thể phòng ngừa bỏng nắng bằng cách bôi kem chống nắng khi phải tiếp xúc lâu với trời nắng. Chuẩn bị sẵn khăn lạnh khi phải tiếp xúc với trời nắng và để tránh vùng da tiếp xúc trực tiếp với nắng, tốt nhất là nên mặc đồ màu sáng (trắng) vì vải trắng có tác dụng phản xạ ánh sáng. Khi ra nắng cần đội mũ rộng vành, mang khẩu trang, mặc áo dài tay.
Viêm da dị ứng do tiếp xúc: Thường do mang các vật dụng như đồng hồ, mang giày, vòng… Tại chỗ tiếp xúc những vật trên cơ thể xuất hiện những mảng ngứa màu hồng, có thể thấy những mụn rợp nhỏ quanh mảng ngứa. Những vùng này cũng rất dễ bị nhiễm nấm hay vi khuẩn, do đó cần phải vệ sinh sạch tại chỗ và dùng thuốc bôi khi cần thiết.
Lang ben (nấm da): Xuất hiện nhiều ở vùng mặt, cổ, lưng, đó là những mảng trắng to, nhỏ không đồng đều có hình tròn, hình bầu dục, có khi lan rộng thành những mảng lớn chiếm hết cả lưng ngực. Ngoài việc uống thuốc, bôi thuốc đúng cách, cần phải tiêu diệt bào tử nấm ở trong quần áo, mùng mền, khăn mặt… bằng cách luộc, ủi nóng các đồ vật này, mới có thể phòng ngừa được tái nhiễm nấm trở lại.
Bệnh nấm da, nấm kẽ: Giữa kẽ ngón chân có mảng trắng có vảy mềm lùi xùi trên nền da hồng đỏ, bám chắc vào da, khi cạy tróc vảy đi, phía dưới là lớp da đỏ lấm tấm máu, ngứa nhiều, nhất là khi bị ẩm sau rửa chân. Để phòng bệnh nấm kẽ chân bằng cách không để bị ẩm bàn chân kéo dài, trong khi mang giày kéo dài thỉnh thoảng mở giày và vớ để cho bàn chân thoáng. Đối với những người có nhiều mồ hôi chân nên rửa và lau khô ngay.
. (Theo SGGP)
|