Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y tế VA ở San Francisco (Mỹ) vừa thí nghiệm thành công khả năng khống chế sự lây lan của tế bào ung thư vú người được cấy ở chuột.
Họ sử dụng một phiên bản biến đổi của một protein xuất hiện một cách tự nhiên ở người để cấy lên chuột. Kết quả là nó có thể làm giảm độ "kết dính" của các tế bào ung thư. Nó có khả năng bám vào các tế bào khác và khiến cho tế bào ung thư tách rời khỏi khối u có thể dính vào các phần khác trong cơ thể và kích thích các u mới phát triển. Tiến sĩ Constance John nói: "Chúng tôi không cố gắng tìm ra cách chữa bệnh ung thư. Chúng tôi chỉ thử nghiệm khả năng một người có thể sống cùng bệnh ung thư".
Kỹ thuật mới mà các nhà khoa học Mỹ sử dụng là sự biến đổi một protein người gọi là galectin-3, có vai trò quyết định trong việc tạo chất kết dính cho tế bào ung thư. Họ bỏ đi tính năng này của protein bằng cách thay đổi cấu trúc của nó. Sau đó họ cấy các mẫu lấy từ các khối u ung thư vú ở người lên chuột có hệ thống miễn dịch yếu.
Khi các khối u ở chuột hình thành, một số con chuột được tiêm loại protein biến đổi còn các con khác được điều trị giả. Sau đó, ung thư đã lan tới u bạch huyết hay các cơ quan khác ở 11 trong số 20 con chuột được tiêm giả, nhưng chỉ có 4 trong số 20 con này nhận được protein biến đổi. Ngoài ra, các mẩu ung thư ở những con được cấy đã phát triển chậm hơn rất nhiều ở các con chuột "được điều trị".
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng một ngày nào đó một phương pháp điều trị ung thư hiệu quả mới được phát triển dựa vào các kết quả mà họ vừa nghiên cứu có thể kết hợp với các phương pháp điều trị hiện nay. Khi đó nhiều người bị ung thư có thể sống lâu hơn. Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Gary Jarvis nói: "Nếu chúng ta có thể khống chế được sự lây lan của tế bào ung thư ở người, thì có thể điều trị thành công bệnh ung thư".
Tuy nhiên nhân viên cao cấp phụ trách thông tin về ung thư của tổ chức CancerBACUP, Martin Ledwick, nói: "Các thí nghiệm này rất đáng quan tâm, nhưng chúng ta cũng không nên quá vui mừng. Phải mất một thời gian dài nữa để kiểm nghiệm xem liệu nghiên cứu này có áp dụng được cho việc điều trị ung thư ở người không". Bà Anna Wood, nhà phân tích chính sách của Tổ chức điều trị ung thư vú từ thiện (Breast Cancer Care) cũng tán thành ý kiến như vậy. Bà Anna Wood nói: "Phương pháp điều trị này mới được thực hiện ở chuột và chúng ta phải thận trọng khi làm sáng tỏ các kết quả thí nghiệm".
|