Sau khi sinh, niềm vui làm mẹ khiến nhiều phụ nữ không nhận ra, cơ thể mình đã thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Để vẫn là ''người đẹp'' đầy hấp dẫn trong con mắt chồng và mọi người, các bà mẹ trẻ cần tính đến việc chăm sóc cơ thể thường xuyên. Hãy dành khoảng thời gian giữa hai lần cho con bú, hoặc hai mẻ giặt... cho sắc đẹp bản thân!
* Chăm sóc làn da
Mặc dù bạn đã cố gắng để không bị rạn da, những đường rạn vẫn xuất hiện trên da bạn từ tháng thứ 4 và trở nên rõ hơn vào tháng thứ 6. Tuy nhiên, ban cần biết là cứ 10 phụ nữ mang thai thì có đến 8 người bị rạn da và những đường rạn này sẽ mờ dần theo thời gian, cho dù không phải lúc nào chúng cũng biến mất hẳn. Bạn đừng trông chờ vào một phương thuốc kỳ diệu nào cả. Hãy tự mình khắc phục bằng cách massage xa hàng ngày những vùng da bị giãn (bụng, hông, háng) để kích thích da phát triển và để lấy đi những tế bào da đã chết. Bạn cũng có thể dùng kem giàu chất vitamin A hay giàu chất acide để thoa lên những vùng da bị rạn.
Không chỉ rạn da; trong thời gian mang thai, da của bạn bị khô hơn bình thường. Vài tuần sau khi sinh, hiện tượng này vẫn còn tiếp diễn. Hãy chăm sóc da để hạn chế tình trạng này bằng cách thoa ngay kem dưỡng da sau khi tẩy trang. Nếu làn da chứng tỏ bạn mệt mỏi thì hãy dùng loại kem dưỡng da chuyên dụng cho buổi tối.
* Để dáng vóc xưa trở lại
Sau khi sinh con, bụng bạn sẽ nhỏ dần đi. Bạn đừng sốt ruột! Muốn cho bụng phẳng trở lại, cần phải mất nhiều tuần để tử cung trở lại hình dạng ban đầu. Sau 9 tháng mang bầu, nhìn lại bụng mình, bạn sẽ thấy các tế bào nhăn nheo. Để tránh phải thấy hình ảnh không được đẹp mắt này, bạn hãy massage nhẹ nhàng lên vùng bụng mỗi ngày. Hãy đổ vào lòng bàn tay một chút sữa giàu nước hoặc dầu xoa cơ thể. Sau đó dùng đầu ngón tay xoa nhẹ từ bụng dưới lên ngực.
Ngoài ra, có nhiều bài tập để lấy lại vẻ đẹp sau sinh, bạn có thể tham khảo và thực hành:
- Ngực: Ngồi tựa lưng vào thành ghế, hai tay khoanh trước ngực, song song với đùi. Bàn tay nắm bắp tay đối diện. Dùng lực đẩy hướng ra ngoài. Nếu thấy co ngực vận động là được. Thực hiện 10 lần. Có thể thực hiện ngay sau khi sinh.
- Eo: Ngồi tựa lưng vào ghế, thít chặt cơ bụng. Nghiêng eo sang bên phải (càng sâu càng tốt) sao cho cơ hông bên trái căng hết mức. Giữ yên trong 3 nhịp đếm rồi đổi bên. Trở lại vị trí cũ. Thực hiện động tác 10 lần mỗi bên. Bài tập có thể tiến hành 1 tuần sau khi sinh.
- Cơ bụng: nằm dưới sàn, đầu gối co. Đặt tay lên đùi, từ từ nâng đầu và vai lên khỏi mặt đất. Giữ yên trong 5 nhịp đếm rối trở lại vị trí cũ. Thực hiện 10-30 lần, tùy khả năng. Thực hiện khoảng 1 tháng sau sinh.
- Mông: nằm sấp trên sàn, cằm tựa vào mu bàn tay thật thoải mái. Nâng từng chân lên khỏi mặt đất, càng cao càng tốt. Giữ yên trong 3 nhịp đếm. Đổi chân. Thực hiện 5 lần cho mỗi chân, tăng dần lên 30 lần.
* Cặp vú
Dù bạn có cho con bú hay không, hãy chăm sóc cặp vú của bạn sau khi sinh. Điều này rất quan trọng bởi đây là bộ phận cơ thể không có cơ. Nếu không cho con bú, bạn hãy dùng kem thoa đặc biệt theo chỉ định của bác sĩ. Còn nếu bạn cho con bú thì không nên dùng kem mà hãy dùng nước lạnh. Bạn dùng vòi hoa sen phun nước lạnh vào ngực, cặp vú của bạn sẽ săn chắc dần trở lại.
* Mái tóc
Sau khi sinh, cấu trúc tóc thay đổi theo nhiều hướng khác nhau: tốt hơn hoặc xấu hơn tùy người. Có người tóc bỗng dày và nhiều hơn trong khi số khác lại rụng (thậm chí mất mỏng đi 1/2). Có người tóc đã khô, lại càng khô, nhờn lại thêm nhờn, xoăn thành thẳng hoặc thẳng thành xoăn. Hãy tham khảo các bí quyết làm đẹp sau:
- Thay đổi kiểu tóc: Nếu tóc bạn dày hơn, nên để dài. Tóc khô và giòn hơn, nên cắt ngắn để dễ chăm sóc. Tóc dầu không nên để thẳng mà nên cắt thành từng lớp để tạo cảm giác ''khô'' hơn.
- Thử dùng các loại dầu gội đầu khác nhau. Nếu tóc dầu, nên gội đầu thường xuyên hơn. Trường hợp tóc khô, bạn nên hạn chế lần gội và nhớ dùng dầu xả.
- Lau tóc thật khô bằng khăn bông, không dùng máy sấy.
- Nên để màu tóc tự nhiên, tránh dùng thuốc nhuộm bởi hóa chất trong thuốc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe phụ nữ mới sinh và rất hại cho em bé nếu bạn cho con bú.
. (Theo VietNamNet)
|