Công tác an toàn và vệ sinh lao động: Còn nhiều bất cập
16:32', 10/6/ 2003 (GMT+7)

Chế biến hải sản - một công việc đòi hỏi phải luôn đạt vệ sinh lao động

Góp phần bảo đảm an toàn và vệ sinh lao động trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp Công đoàn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Trong những năm qua, công tác này đã có những cố gắng và chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa hết những khó khăn, bất cập.

Nhìn chung, công tác an toàn và vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) ở Bình Định trong những năm qua đã có bước chuyển biến đáng kể về nhận thức và hành động. Hầu hết các DNNN đã thành lập Hội đồng Bảo hộ lao động (BHLĐ) do một Phó giám đốc trực tiếp làm Trưởng ban, Chủ tịch Công đoàn cơ sở làm Phó ban thường trực. Việc tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường, hạn chế và ngăn ngừa tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp luôn là mối quan tâm và trách nhiệm của các nhà quản lý và người sử dụng lao động.

Nhiều DNNN và doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã quan tâm đầu tư kinh phí lắp đặt công nghệ, thiết bị mới thay thế máy móc, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu như: Bưu điện tỉnh, Cảng Quy Nhơn, Công ty Giày Bình Định; Tổng công ty PISICO, Công ty cổ phần Dầu thực vật, Công ty TNHH xây dựng Tân Phương, Công ty TNHH tổng hợp An Bình. Phong trào "xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động" được duy trì, hàng năm đều có kiểm tra chéo, chấm điểm và khen thưởng kịp thời. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã phát động phong trào cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng các đề tài lao động sáng tạo vào sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả, làm lợi cho đơn vị, giải phóng sức lao động ở những khâu nặng nhọc, độc hại, hạn chế các trường hợp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Nhiều đề tài đã được Hội đồng xét duyệt lao động sáng tạo của tỉnh đánh giá cao và được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc tổ chức Tuần lễ quốc gia về An toàn- Vệ sinh lao động- Phòng, chống cháy nổ hàng năm, cùng với hoạt động chung của cả nước, Bình Định đã thành lập Ban chỉ đạo và cử 2 tổ công tác kiểm tra các doanh nghiệp (mỗi năm kiểm tra khoảng 25-30 doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh); qua đó đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm về công tác BHLĐ đối với người sử dụng lao động và người lao động.

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh còn chủ động mời các cơ quan chức năng của Trung ương huấn luyện về kỹ thuật an toàn cho người sử dụng lao động, cán bộ phụ trách BHLĐ và Công đoàn các cơ sở. Trong năm 2002, đã tổ chức 2 lớp tập huấn với tổng số 162 học viên dự học và được Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật- Bảo hộ lao động tại Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận, trong đó có 1 lớp chuyên ngành chế biến gỗ cho Khu công nghiệp Phú Tài.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động BHLĐ Bình Định vẫn còn một số tồn tại cần quan tâm giải quyết. Đó là điều kiện làm việc và môi trường lao động ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện nay vẫn chưa được cải thiện một cách căn bản; lao động nữ làm việc trong các doanh nghiệp còn thiếu các công trình phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày như nhà tắm, nhà vệ sinh… Thời gian làm việc ở một số ngành dệt may, giày da, chế biến hàng nông, lâm, hải sản còn kéo dài quá qui định. Tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp vẫn còn tăng ở một số ngành xây dựng, khai thác đá, cầu đường, thủy lợi…

Các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Phú Tài về cơ bản tốt hơn nhiều so với môi trường lao động đối với những doanh nghiệp đã xây dựng trước đây. Điều kiện làm việc tiện nghi hơn, sạch hơn, thoáng hơn. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại ở đây là ô nhiễm ở ngoài khu vực nhà xưởng, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư. Nguyên nhân của sự không đồng bộ là trong Khu công nghiệp Phú Tài chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải chung.

Bên cạnh đó, ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã góp phần đáng kể giải quyết 70% số lao động nông thôn, hầu hết người lao động không có tay nghề lại đang thiếu việc làm hoặc chưa có việc làm ổn định. Nhưng hiện nay, một vấn đề đang nổi cộm ở đây là tình trạng người lao động đứng trước nguy cơ nhiễm các bệnh nghề nghiệp mà đỉnh cao là bệnh bụi phổi Silic. Theo thống kê chưa đầy đủ thì đã có hàng trăm công nhân lao động ở đây bị nhiễm căn bệnh bụi phổi Silic với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Căn bệnh quái ác này cũng đã gây nên cái chết cho một số người.

. Trần Ngọc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chảy máu đường tiêu hóa  (09/06/2003)
Làm đẹp sau sinh nở  (08/06/2003)
Ung thư vú có khả năng được khống chế  (06/06/2003)
Kháng sinh - Lợi và hại  (05/06/2003)
Đề phòng bệnh da do nắng nóng  (04/06/2003)
Những khó khăn cần tháo gỡ  (03/06/2003)
Ăn uống thiếu vitamin C dễ mắc bệnh viêm khớp  (02/06/2003)
Mùa hè, coi chừng ngộ độc thực phẩm  (01/06/2003)
Cẩn thận với "thần dược" cổ linh chi   (30/05/2003)
Hy vọng tìm ra vaccine trị bệnh AIDS  (29/05/2003)
Để cho sân khấu và điện ảnh không khói thuốc  (28/05/2003)
Sơ cứu bỏng bằng nước lạnh   (27/05/2003)
Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật - Nhìn từ hai phía  (26/05/2003)
Bảo vệ đôi mắt của bạn  (25/05/2003)
Không nên lạm dụng men tiêu hóa  (23/05/2003)