Ai cũng biết nước là thức uống không thể thiếu; nhưng nên uống nước gì, uống bao nhiêu, vào thời điểm nào? Có thể dùng các loại đồ uống khác thay thế nước? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra, nhất là khi mùa hè đã đến.
* Mỗi ngày cần uống bao nhiêu?
Thường mỗi ngày một người cần uống 1-1,5 lít nước dưới các dạng đồ uống khác nhau, như trà, cà phê, nước hoa quả đóng hộp, canh... Đây chỉ là lượng nước trung bình cần uống; nhưng khi trời nóng hoặc cơ thể phải làm việc nhiều, nên uống nhiều hơn. Vào mùa nắng người ta thường quên thói quen uống nước; điều này rất hại cho cơ thể. Đối tượng cần đặc biệt quan tâm là trẻ em (thường trẻ nhỏ không biết bày tỏ cơn khát) và người cao tuổi (thường ít có cảm giác khát). Cơ thể hai nhóm người này rất nhạy cảm với sự thiếu nước.
* Uống nước khi nào? Giữa hai bữa hay trong khi ăn?
Điều này không quan trọng. Điều quan trọng là uống đủ nước trong ngày. Tuy nhiên nếu không uống nước trong bữa ăn thì khó có thể đủ lượng nước theo yêu cầu trong ngày. Trường hợp bạn uống trong bữa ăn, nhất thiết phải là nước; còn các loại đồ uống khác trong bữa ăn không được tính.
Nhiều người cho rằng uống nước trong bữa ăn sẽ làm cơ thể mập ra; nhưng điều này hoàn toàn không có cơ sở vì xét về giá trị calo, nước là một chất trung tính. Dù sao thì uống đủ nước cũng cho phép duy trì cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể.
* Nước ''cứng'' có hại không?
Khái niệm nước cứng dùng để chỉ nước có nhiều trữ lượng canxi và magiê. Nước cứng có thể làm hỏng một số đồ dùng gia đình (đóng cặn ống nước, ấm, nồi xoong, làm cứng quần áo sau khi giặt...) nhưng đây lại là loại nước rất tốt với người dùng vì nó cung cấp những chất khoáng cần thiết. Vì lẽ đó, nhiều nhà sản xuất nước khoáng thường không quên nêu tên các loại khoáng có chứa trong sản phẩm của họ trên nhãn mác.
* Chọn nước đóng chai
Nếu muốn uống một loại nước dễ nuốt, nên chọn loại nước có chứa ít khoáng (loại nước này thường là nước tự đun sôi, được dùng để pha sữa cho trẻ), cũng nên chọn loại nước không có chất nitơ (xem trên nhãn).
Để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt (như tăng cường chất magiê, fluor, canxi), bạn nên chọn các loại nước khoáng. Còn để kích thích tiêu hóa, nên chọn soda.
* Tại sao nước có gas lại giải khát tốt hơn?
Trong nước có chất gas hòa tan (gas từ nước nguồn hoặc gas cacbonic). Khi uống loại nước này, người ta có cảm giác mát họng và đã cơn khát. Một số đồ uống như coca có hương vị rất dễ chịu. Tuy nhiên, không nên uống nhiều loại đồ uống này vì chúng chứa nhiều đường và chất kích thích như cafein và ký ninh.
Giá trị năng lượng/100ml đồ uống có gas: Orangina: 44 Kcal, Coca Cola và Pepsi Cola: 42 Kcal, Sprite: 42 Kcal, Shweppes: 38 Kcal.
* Không uống nước, phải uống gì?
Nhiều người không thích uống nước vì vị nhạt nhẽo. Họ chỉ việc chọn vài trong số bao nhiêu loại nước trái cây và các đồ uống có gas. Tuy nhiên, không phải thức nào cũng uống được. Lưu ý:
- Siro: Đồ uống làm đã cơn thèm. Chỉ cần nhỏ vài giọt siro vào một cốc nước, bạn đã có một thứ đồ uống có hương vị mà mình ưa thích, lại không phải uống thứ nước nhạt nhẽo không mùi không vị. Siro có nhiều hương vị khác nhau nên có thể thỏa mãn từ trẻ nhỏ đến người lớn. Tuy nhiên đây không phải là loại đồ uống giàu vitamin hay chất khoáng mà chỉ giàu đường và đem lại nhiều calo, không phù hợp với các đối tượng muốn giảm béo.
- Nước trái cây ép: Loại nước này được xay từ trái cây tươi hoặc đông lạnh. Chỉ nên uống nước trái cây ép còn màu sắc và hương vị tự nhiên. Chắc chắn là giá trị khoáng chất của loại nước này rất lớn. Nhiều loại nước trái cây rất giàu calo, vitamin, nhất là C và D.
Giá trị năng lượng/100ml nước trái cây: Lê: 64 Kcal, Nho: 62 Kcal, Mơ: 57 Kcal, Dứa: 50 Kcal, Táo: 45 Kcal, Cam: 37 Kcal.
Nếu đã dùng chán nước ép trái cây và nước có gas, bạn vẫn có thể quay trở lại với nước uống thường. Để tránh cảm giác nhạt nhẽo khi uống nước, bạn có thể vắt vài giọt chanh vào cốc nước và cho thêm vào cốc vài lá bạc hà. Như vậy cũng đủ để thỏa mãn cơn khát.
. Theo VietNamNet
|