|
Bà và cháu |
Trước hết trong gia đình vợ chồng phải luôn hòa thuận, tránh to tiếng với nhau, những cuộc cãi vã chỉ làm cho con mình hoảng loạn, ảnh hưởng đến tâm trí đứa bé sau này, khi lớn lên tính tình dễ sinh ra gắt gỏng, thiếu điềm tĩnh trong giao tiếp với mọi người. Nên tránh việc chiều chuộng con quá mức, thỏa mãn những đòi hỏi của con: quen với việc chăm sóc từ ấu thơ. Khi các con đã lớn, hãy để chúng tự lập, tiết kiệm, biết quý trọng của cải vật chất, không vì thấy chúng thua kém bạn bè cái quần, cái áo, chiếc xe mà vội vàng đáp ứng, hình thành trong trẻ thói quen muốn gì được nấy. Lớn lên trẻ sẽ có tư tưởng coi mình trên hết, muốn chỉ đạo người khác, bắt người khác phải phục tùng ý thích của riêng mình.
Con cái là niềm tự hào của cha mẹ. Trước thành tích học tập tốt của con, bậc làm cha mẹ ai cũng vui mừng. Việc luôn đưa con ra làm chủ đề trong các buổi nói chuyện với đồng nghiệp, xóm giềng, khen ngợi khả năng của trẻ sẽ khiến đứa trẻ nảy sinh tính kiêu ngạo. Nhiều khi năng lực của trẻ được cha mẹ “thổi phồng” so với thực tế, trẻ dễ sớm ngộ nhận về mình.
Tâm lý trẻ tính hay hiếu động, thích tìm hiểu, nhất là ở lứa tuổi là học sinh cấp I, ngay từ khi học lớp 1 hoặc lớp 2, trẻ đã biết đọc sách, hướng vào việc cho trẻ đọc các loại sách bổ ích, hướng trẻ vào việc mở mang kiến thức về lịch sử, về đất nước, các danh lam thắng cảnh, các danh nhân, để trẻ tìm về cội nguồn dân tộc, khi lớn lên trẻ tự hào về đất nước, yêu Đảng, kính yêu lãnh tụ, kính trọng ông bà, cha mẹ, thân tộc, quan hệ tốt với mọi người xung quanh. Rõ ràng, việc xây dựng gia đình hạnh phúc, mẫu mực, tác động lớn đến việc nuôi dạy con cái. Trách nhiệm nuôi dạy con cái là trách nhiệm chung; không nên giao hoàn toàn trách nhiệm nuôi dạy con cái cho vợ hoặc chồng. Gia đình kết hợp với nhà trường, xã hội chính là yếu tố quan trọng trong hình thành nhân cách giáo dục con trẻ hiệu quả nhất để đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước.
. Thanh Tâm
|