Nỗi niềm của một người nhiễm HIV
17:18', 30/6/ 2003 (GMT+7)

Chị Đ.T.L. (27 tuổi), quê xã Mỹ Châu, Phù Mỹ, đã bị tai họa giáng xuống gia đình vì cả nhà chị bị mắc AIDS, một căn bệnh thế kỷ.

Thoạt nhìn bên ngoài của người góa phụ này, không ai nghĩ rằng chị đang mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Người thân duy nhất của chị là vợ chồng người anh. Cha mẹ chị đã qua đời. Hiện cuộc sống của chị khó khăn trăm bề. Cái khó khăn về vật chất chị có thể chịu đựng được nhưng nỗi khổ về tinh thần luôn dày vò chị. Chị bị lây nhiễm HIV từ người chồng quá cố. Cháu gái bốn tuổi cũng bị lây nhiễm từ lúc còn trong bụng mẹ. Khi người chồng mất đi, thì chị mới biết mình bị nhiễm HIV. Từ đó cuộc sống của chị dường như bị thu nhỏ. Chị tự khép mình lại. Rưng rưng nước mắt, chị tâm sự: "Từ lúc biết mình nhiễm HIV, em không dám chơi với ai, hàng ngày chỉ có hai mẹ con chơi với nhau". Chính vì mặc cảm ấy đã tạo ra sự cô lập giữa chị với những người xung quanh. Dù vậy, những người hàng xóm láng giềng tại nơi chị đang sống vẫn luôn dành cho chị sự cảm thông và bằng việc làm cụ thể giúp chị lợp lại mái nhà, thăm hỏi khi ốm đau…

Một người hàng xóm nói: "Ở đây chúng tôi không có sự phân biệt, vì cùng là những người nông dân khổ cực cả. Tuy vậy, thỉnh thoảng cũng có mấy người ở xóm trên bàn tán to nhỏ." Trong thực tế, đa số người bị nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS không sao tránh được "tiếng đời" gièm pha và vì vậy không những bản thân người nhiễm mà cả gia đình, người thân và con cháu của họ cũng bị ảnh hưởng. Hai cháu gái gọi chị L. bằng cô đang học tiểu học tại xã, những lần đi học về đến nhà các em chỉ biết khóc vì bị bạn bè cùng lớp trêu chọc "đừng đứng gần con sida, coi chừng bị lây đó", "đừng nói chuyện với nó".

Nhưng đó chỉ là số ít, ông Đặng Minh Chung - Chủ tịch UBND xã Mỹ Châu - cho biết: "Ngoài sự giúp đỡ hỗ trợ, chăm sóc của y tế, địa phương chúng tôi còn trợ giúp về vật chất lẫn tinh thần cho gia đình người nhiễm vì họ là gia đình thuộc diện nghèo được hỗ trợ 3 triệu đồng xây nhà, được vay vốn xóa đói giảm nghèo… Từ khi gia đình có người nhiễm HIV thì bà con lối xóm vẫn đối xử bình thường. Gia đình có việc buồn, tang chế cũng chính quyền và bà con trong xóm, làng giúp đỡ, lo liệu mọi việc".

Tính đến nay toàn huyện Phù Mỹ có 8 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, 3 người đã tử vong, chủ yếu là đối tượng mại dâm và ma túy, 5 người còn lại trong giai đoạn nhiễm HIV sinh hoạt tại gia đình, trường hợp chị L. do bị lây nhiễm từ người chồng là đối tượng ma túy đi làm ăn tại TP Hồ Chí Minh về lây nhiễm cho vợ.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền - chuyên viên Văn phòng thường trực phòng chống AIDS của Bình Định - cho biết: "Người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS vẫn còn bị phân biệt đối xử, mặt khác, bản thân người nhiễm bị mặc cảm, chán nản, bi quan và phần đông không muốn hợp tác với nhân viên chăm sóc. Vì vậy, để hoạt động chăm sóc này thực sự hiệu quả, cần có những mô hình thích hợp như: Mô hình cá nhân - cá nhân, giữa 1 người chăm sóc và 1 người bệnh có thể thành một đôi bạn thân chăm sóc cả về tinh thần lẫn thể chất, hay là mô hình nhóm bạn giúp bạn, mô hình này tạo điều kiện cho người nhiễm HIV được sinh hoạt giúp đỡ lẫn nhau để sống tích cực hơn, lạc quan hơn và làm những việc có ích".

. Chiến Thắng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nỗi niềm của một người nhiễm HIV  (30/06/2003)
Văn hóa trong sinh hoạt của vợ chồng  (29/06/2003)
Nuôi dạy con trẻ - Những điều cần lưu ý  (27/06/2003)
Khi đàn ông lãnh đạm!  (26/06/2003)
Ăn trái cây, nên chú ý  (25/06/2003)
Cần loại bỏ việc sử dụng cá nóc ra khỏi đời sống  (25/06/2003)
Bảo vệ đôi mắt trẻ từ lúc mới lọt lòng  (24/06/2003)
Tìm thấy gene "trường sinh bất lão" của tế bào gốc  (23/06/2003)
Dùng hóa mỹ phẩm cũng dễ gây bệnh toàn thân  (22/06/2003)
Con cá trong y học cổ truyền   (20/06/2003)
Những việc cần làm khi có vấn đề về tai  (19/06/2003)
Bệnh sốt xuất huyết  (18/06/2003)
Tìm ra gene gây chứng trầm cảm   (17/06/2003)
Nước - thứ đồ uống tốt nhất  (17/06/2003)
WHO: Dịch SARS có thể sắp kết thúc, nhưng vẫn cần cảnh giác   (16/06/2003)