Vào thứ 6 hàng tuần, nhóm hoạt động phòng chống HIV/AIDS của TP Quy Nhơn vẫn đều đặn sinh hoạt tại số 345 Lê Hồng Phong (Quy Nhơn) do Ban chuyên trách phòng chống HIV/AIDS thành phố tổ chức. Nhóm có tên gọi là nhóm Giáo dục đồng đẳng (GDĐĐ), đã hoạt động được gần 7 năm.
Họ là những người từng nghiện ma túy và hoạt động mại dâm đã cai nghiện, hoàn lương. Với tinh thần tự nguyện vì cộng đồng, họ đã tham gia nhóm GDĐĐ, hoạt động trên địa bàn TP Quy Nhơn. Những việc làm âm thầm của họ ít ai biết đến nhưng là những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền phòng chống AIDS.
Thành lập vào cuối năm 1995, đến nay nhóm GDĐĐ có 7 thành viên chia làm hai nhóm nam và nữ. Ngoài ra, còn có nhóm Bạn giúp bạn gồm 3 thành viên là những người đã bị nhiễm HIV. Họ đều đã trên 30 tuổi, nghề nghiệp chủ yếu là buôn bán, đạp xích lô hoặc lao động tự do. Công việc của nhóm là tiếp cận những đối tượng mại dâm hoặc nghiện chích ma túy để tuyên truyền ý thức phòng chống AIDS, giúp họ bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng.
Với mục tiêu hạn chế sự lây truyền của HIV và giảm tối đa ảnh hưởng của HIV đối với cá nhân và xã hội, nhóm GDĐĐ trong những năm qua đã thực hiện những hoạt động cụ thể như: phát tờ rơi, bao cao su, bơm kim tiêm; tư vấn cho những đối tượng nói trên… Ngoài ra, họ còn tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng.
Trước đây các thành viên trong nhóm GDĐĐ cũng cùng cảnh ngộ như những đối tượng mà họ tiếp cận bây giờ nên giữa họ có sự am hiểu và dễ dàng thông cảm nhau. Nhóm GDĐĐ có nhiều thuận lợi khi gần gũi tìm hiểu và trao đổi với các đối tượng này. Tuy không nhọc nhằn, vất vả nhưng để làm tốt công việc này không phải đơn giản. Có anh chị đã trải qua 7 năm, cũng có người mới vào nhóm, nhưng họ đều đã trải qua không ít chuyện buồn vui của nghề.
Để tiếp cận được đối tượng, các anh chị trong nhóm nhờ vào sự quen biết hoặc thông qua một trung gian. Khó khăn nhất là khi tiếp cận những đối tượng ở nơi khác về hoặc mới bắt đầu sa ngã, thậm chí bị đe dọa. Chị N.T.T.V, người tham gia nhóm từ những ngày đầu, kể: "Khi chưa lộ là đồng đẳng viên thì không sao nhưng khi các đối tượng biết rồi thì những lời chửi rủa không phải là chuyện lạ. Có lần chị đến định tư vấn thì đối tượng lại đem giấy ra đốt "phông lông", thậm chí còn bưng cả nước tiểu hắt vào người để đuổi đi". Nhưng rồi với cách tiếp cận từ xa đến gần, từ xã giao đến cởi mở, lòng kiên nhẫn đã giúp các anh chị thuyết phục được các đối tượng nghe mình.
Anh Đ.V.V, đã từng bị đối tượng dọa đánh, tâm sự: "Mỗi khi kêu gọi một đối tượng từ bỏ ma túy anh thấy trong lòng rất vui vì mình đã thật sự làm được một điều có ý nghĩa".
Chịu áp lực từ gia đình, chị T.T.G có những lúc buồn và chán nản nhưng hiện nay hàng tuần chị vẫn đến những địa bàn có đối tượng hoạt động để tiếp xúc, bày cho họ cách phòng tránh lây nhiễm, tâm sự với họ bằng tình cảnh của mình để từ đó có thể lôi kéo họ hoàn lương. Chị T.T.G tâm sự: "Có nhiều em rất đáng thương, không biết chút gì về cách phòng tránh HIV. Mình nghĩ chỉ có những người như tụi mình mới có thể hiểu rõ tụi nó, mình không giúp được thì ai giúp".
Hoạt động GDĐĐ của nhóm mạnh nhất là tiếp cận các đối tượng mại dâm vì đa số đồng đẳng viên là nữ. Các chị đến với họ để khuyên nhủ, giúp đỡ bằng tình cảm và sự quan tâm chân thành. Như lời chị T.V: "Mình đến với họ như những người bạn chân tình, không bao giờ đem những ngôn ngữ cao siêu hay có thái độ dạy đời nào cả; đôi khi phải bỗ bã mới có thể nói chuyện được". Do vậy các chị được nhiều đối tượng tin cậy, luôn tìm đến nhờ tư vấn.
Ngoài việc tuyên truyền, phát các dụng cụ phòng tránh HIV, các anh chị còn động viên đối tượng nghiện chích và gái mại dâm đến Sở Y tế để xét nghiệm HIV hoặc dẫn dắt những người đã hoàn lương đến các cơ sở phường vay vốn hỗ trợ, tìm việc làm thích hợp. Tuy nhiên, có những người được các chị trong nhóm thuyết phục hoàn lương đến 60% nhưng vẫn còn quay về đường cũ vì họ không thể tìm được việc do gặp nhiều rào cản trong giải quyết việc làm và dư luận xã hội. Thực tế này đem lại khó khăn không nhỏ cho hoạt động của các anh chị trong nhóm.
Khi được hỏi về chế độ cho các đồng đẳng viên, anh Trần Xuân Bình - phụ trách nhóm cho biết: "Hiện tại nhóm chỉ có kinh phí sinh hoạt và hỗ trợ lương khoảng 250.000 đồng/tháng chứ không có kinh phí hoạt động nên rất khó tiếp cận các đối tượng. Việc quản lý, tiếp cận tuyên truyền đòi hỏi tốn nhiều thời gian và công sức, tuy vậy các anh chị trong nhóm GDĐĐ vẫn vui vẻ với công việc vì "không muốn ai giống mình ngày xưa"! Họ đã vượt lên chính mình và muốn khẳng định rằng họ còn có giá trị trong xã hội và còn làm được nhiều việc ý nghĩa cho cuộc sống.
. Bích Dâng
|