|
ảnh: Ái Vy |
Ở lứa tuổi học sinh, dinh dưỡng đầy đủ, đúng cách giữ vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển thể lực, đem lại đầy đủ năng lượng để các em học tập và sinh hoạt. Do vậy, các em ở lứa tuổi học sinh cần được ăn uống đầy đủ về số lượng cũng như chất lượng. Cụ thể là trẻ phải ăn đủ ba bữa chính: sáng, trưa, chiều, có thể bổ sung thêm hai đến ba bữa phụ (ăn nhẹ) vào giờ ra chơi (khoảng 9 giờ sáng, 3 giờ chiều hay buổi tối trước khi đi ngủ). Cần chú ý không được bỏ qua bữa ăn sáng vì ăn sáng sẽ cung cấp cho các em 1/4 năng lượng cần thiết trong ngày sau một đêm nghỉ ngơi giúp cho học sinh tránh cảm giác thèm ăn vụng trong lớp, không ngủ gật và tập trung nghe giảng tốt hơn. Nên chuẩn bị cho cả gia đình ăn sáng tại nhà vừa đảm bảo cho các em đầy đủ chất dinh dưỡng vừa an toàn vệ sinh cũng như thắt chặt tình cảm gia đình.
Trong các bữa chính, các em phải ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết: 1- Nhóm thức ăn giàu đạm gồm: thịt, cá, trứng, sữa, đậu… chú ý cho các em dùng sữa bò, sữa đậu nành hay các chế phẩm từ sữa như: yaourt, phó mát, kem flan… sẽ cung cấp nhiều calcium giúp hệ cơ xương tăng trưởng. 2- Nhóm thức ăn giàu năng lượng như các thức ăn chứa tinh bột (ngũ cốc, hủ tiếu, mì, miến… đặc biệt các loại khoai) và các chất béo (có trong dầu ăn, bơ, margarine…) đây là những chất không thể thiếu trong sự phát triển của tế bào thần kinh cũng như cung cấp nhiều năng lượng nhất cho mọi hoạt động cơ thể. Tránh dùng kẹo, bánh, đồ ngọt trước các bữa ăn vì tuy khối lượng nhỏ nhưng sẽ làm giảm cảm giác đói bụng, thèm ăn, dễ sâu răng. 3- Rau và trái cây sẽ cung cấp muối khoáng, các vi chất dinh dưỡng (iốt, sắt, kẽm…) và các sinh tố vitamin. Phải sử dụng muối iốt thay cho muối thường để phòng tránh các bệnh do thiếu iốt như: bướu cổ, thiểu năng trí não… Ngoài ra trong rau và trái cây có nhiều chất xơ giúp tiêu hóa tốt, ngừa táo bón. 4- Đối với độ tuổi đang phát triển về thể chất cũng như tâm sinh lý cần dùng nhiều thực phẩm chứa nhiều sắt như: gan, thịt bò, óc heo, óc bò, đậu đỏ, rau dền, rau muống… để phòng ngừa thiếu máu ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ. Cuối cùng nên thay đổi các món ăn để tránh nhàm chán vì mỗi loại thức ăn có một số chất dinh dưỡng nhưng không loại nào đủ tất cả các chất nên các em được ăn nhiều loại bao nhiêu càng nhận được đầy đủ chất bấy nhiêu.
Tóm lại, dinh dưỡng là nền tảng quan trọng ảnh hưởng cả một thế hệ tương lai, chúng ta cần hiểu biết để chăm lo cho con em mình được phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.
. DS Ngọc Hòa
|