Bà Elisabeth Kible Ros là một nhà tâm lý lâm sàng đã có nhiều năm chăm sóc và chữa trị cho những người lâm bệnh hiểm nghèo (đặc biệt các bệnh nhân ung thư nặng) trong các bệnh viện ở Ba Lan và Mỹ. Trong cuốn sách nổi tiếng "Bàn về cái chết và quá trình đi đến cái chết" của mình, bà đã phân tích rất sâu sắc tâm trạng của những người lâm bệnh hiểm nghèo mà theo bà thường diễn biến qua các giai đoạn như sau:
1- Giai đoạn phủ định bệnh: Phản ứng trước tiên của bệnh nhân khi biết được chẩn đoán bệnh của mình là nghi ngờ khả năng chuyên môn, giả thiết về khả năng nhầm lẫn hoặc chưa thật chính xác của kết quả xét nghiệm… Theo tác giả, giai đoạn này đứng về khía cạnh tâm lý, có mặt tích cực bởi nó giảm nhẹ cho bệnh nhân cú "sốc" quá đột ngột của việc phát hiện bệnh. Đây là giai đoạn tế nhị nhất: về phía thầy thuốc, việc thông báo chẩn đoán bệnh (điều không thể che giấu mãi được) cần lựa chọn đúng lúc và về phía người thân, cần biết kiềm chế nỗi lo để tránh gây thêm căng thẳng cho bệnh nhân.
2- Giai đoạn oán giận: Sau giai đoạn phủ định ban đầu, do tình hình tiến triển khách quan của bệnh như: khối u cứ lớn dần lên, dấu hiệu chèn ép mỗi ngày một rõ… cùng với kết quả kiểm tra khẳng định là chính xác, tham khảo ý kiến các thầy thuốc có kinh nghiệm và uy tín hơn… rồi trước sau người bệnh cũng phải chấp nhận thực tế phũ phàng là đã lâm vào bệnh hiểm nghèo - lúc này thường nảy sinh nhiều ý nghĩ oán giận: giận mình ít quan tâm đến sức khỏe, không thường xuyên khám định kỳ để phát hiện bệnh được sớm, oán người thân ít quan tâm nhắc nhở, oán thầy thuốc trước đó không khám kỹ, oán nền y học sao cho tới nay còn bất lực trước chứng bệnh hiểm nghèo này…
Ở giai đoạn này, sự nâng đỡ tâm lý cũng hết sức quan trọng để bệnh nhân có đủ được ý chí và nghị lực để đối mặt và đương đầu với bệnh… Về phía thầy thuốc cần giúp đỡ động viên người bệnh tin tưởng vào tương lai điều trị, tốt nhất là chọn số bệnh nhân đã điều trị có kết quả tốt để động viên; về phía người thân, cần tỏ ra hết lòng thương yêu, đồng cảm để tạo nên một chỗ dựa tin cậy cả về mặt vật chất lẫn tinh thần để giúp bệnh nhân yên tâm, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
3- Giai đoạn mặc cả: Sau khi đã chấp nhận thực tế phũ phàng và cảm thấy oán giận chỉ là vô ích, người bệnh bước sang giai đoạn đấu tranh mặc cả với số phận như: mong muốn cuộc sống kéo dài thêm để hoàn thành những công việc còn dang dở, hoàn tất mọi công trình nghiên cứu, một tác phẩm văn học nghệ thuật, dựng vợ, gả chồng cho con… hoặc nếu điều trị tây y ít hy vọng thì chữa sang chữa đông y, y học cổ truyền hoặc mọi phương cách trị liệu được mách bảo …! Ở giai đoạn này việc đối xử của người thân cần tế nhị: một mặt tránh sự hiểu lầm đau lòng là sợ tốn kém và mặt khác cần sáng suốt tìm hiểu để hướng bệnh nhân đi đúng quỹ đạo điều trị tối ưu.
Giai đoạn thứ 3 này cũng là giai đoạn chuyển tiếp để đi đến 2 khả năng:
- Hoặc diễn biến tốt: Bệnh nhân gặp thầy, gặp thuốc, duy trì được ý chí và tinh thần lạc quan, bệnh chưa sang giai đoạn xâm nhiễm rộng thì sẽ tiến dần tới khỏi hoặc ổn định được bệnh (trong một thời gian dài hoặc ngắn) và trở về với cuộc sống bình thường.
- Hoặc diễn biến xấu: Bệnh nhân bi quan, suy sụp về mặt ý chí phấn đấu với bệnh, rơi vào giai đoạn trầm nhược (giai đoạn 4): không muốn tiếp xúc với bất cứ ai, ngủ liên tục và liên miên mộng mị, không còn tha thiết với bất cứ gì (song song với diễn biến xấu của bệnh) để cuối cùng chấp nhận sự kết thúc.
Nâng đỡ tâm lý trong các giai đoạn này phụ thuộc diễn biến của 2 khả năng nói trên và chỉ còn mang tính chất hỗ trợ cho một định hướng đã rõ nét. Tác giả đánh giá cao vai trò của tâm lý trong diễn biến của bệnh hiểm nghèo: một mặt ý chí đấu tranh với bệnh và tinh thần lạc quan hay bi quan của bản thân người người thân bệnh và mặt khác, vai trò nâng đỡ tâm lý hết sức quan trọng của cán bộ y tế và trong một chừng mực nào đó thậm chí có thể làm chuyển hoán tiên lượng của bệnh.
. (Theo KH và ĐS)
|