Màu sắc của mắt kính chưa giải quyết được triệt để việc ngăn cản tác hại của ánh sáng mặt trời đến mắt, mà cái chính là phải biết chắc chắn chiếc kính đang đeo không cho bức xạ tia cực tím đi qua. Phản ứng tự nhiên của con người (đồng tử) đến ánh sáng là co lại, còn khi đeo kính màu tối, lại giãn ra. Nếu mắt kính không đảm bảo chất lượng, có nghĩa là cho tia cực tím đi qua, thì mắt đeo kính sẽ nhận nhiều bức xạ hơn mắt không đeo kính.
Kính mát cổ điển thường có các màu: nâu hay ghi tối. Một số kính khác cũng có thể có màu xanh da trời, hồng, da cam, vàng... Kính màu nâu hay ghi tối dùng được ở bất kỳ miền khí hậu nào và có năm mức độ tối: từ 0 đến 4. Thí dụ như độ 4: Kính hầu như tối hoàn toàn, chỉ cho từ 3-8% ánh sáng đi qua. Loại kính này thường dùng ở các bãi tắm biển mùa hè- nơi ánh sáng mặt trời phản chiếu từ mặt nước lên. Đối với các vùng thuộc vĩ tuyến trung bình nên đeo kính loại 2-3.
Kính màu nếu được phủ một lớp bảo vệ cũng không cho tia cực tím đi qua, song vào những ngày nắng gắt, nếu đeo kính màu hồng, vẫn phải nheo mắt.
Kính màu hồng rất dễ nhìn mọi sự vật, nhưng nhìn màu sắc lại không thật. Màu xanh lá cây làm dịu mắt, màu xanh da trời nhìn sự vật không được rõ nét, dẫu vậy đeo các loại kính màu kể trên trông rất "sành điệu". Kính màu vàng làm tăng độ tương phản của các sự vật xung quanh. Lái xe nên đeo kính màu này.
Theo ý kiến của tiến sỹ nhãn khoa thuộc Viện nghiên cứu Khoa học Liên bang Nga Ônga Prôxcurina: Màu mắt kính không đóng vai trò đặc biệt quan trọng, mỗi người nên chọn cho mình mầu kính thích hợp nhất.
Đối với người thường xuyên đeo kính, nên đeo kính đổi màu, ánh sáng mặt trời càng chói, kính càng tối và ngược lại. Đối với lái xe, không nên dùng kính đổi màu. Kính sẽ tối đi do tác dụng của các tia cực tím, trong khi kính ô tô lại hấp thụ các tia đó.
. K.Y (St)
|