Với giá cực ''bèo'', 2.000 đồng/lít, các loại sữa tươi, sữa đậu (đậu nành, đậu phộng, đậu xanh...) đựng trong bình nhựa hoặc chai nước ngọt cũ nút nilon, đầy rẫy trên xe đẩy, quán lề đường rất đắt khách. Chưa có vụ ngộ độc sữa không nhãn nào xảy ra, nhưng nguy cơ của nó đã được chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo.
Nếu tinh ý, người uống có thể nhận thấy những loại sữa này rất loãng, vị ngọt, vị béo và mùi thơm đặc trưng chỉ thoảng nhẹ. Điều này cũng dễ hiểu bởi các loại sữa "không tên" này được pha chế theo công thức: nước cốt 3 + nước cơm 7.
Theo khảo sát của Viện Vệ sinh Y tế công cộng, hầu hết dạng sữa đậu, sữa tươi đóng trong chai, bịch không nhãn hiệu sản xuất ở các hộ gia đình, bán lẻ ở các chợ, các xe hàng rong trên đường phố... đều không bảo đảm chất lượng dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, có khi nhiễm cả các loại vi trùng gây bệnh đường ruột như Coliformes, Samonella và E. Coli.
Thành phần dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, đường có trong các mẫu sữa được khảo sát có tỷ lệ mẫu dưới chuẩn khá xa. Có đến 83% mẫu sữa tươi được kiểm tra có hàm lượng đạm thấp dưới mức chấp nhận (3,1-3,4%), trên 50% có hàm lượng chất béo dưới mức chuẩn, 80% mẫu sữa tươi có hàm lượng đường lactose dưới mức chuẩn.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng có khả năng các mẫu sữa tươi trên bị pha thêm nước và rút bớt bơ. Về tiêu chuẩn vi sinh, có đến 53% mẫu sữa tươi không đạt do bị nhiễm tổng số vi khuẩn quá mức quy định. Riêng sữa đậu nành có đến 13,4% mẫu trong số mẫu được khảo sát không đạt mức chuẩn về hàm lượng chất đạm; 90% không đạt chuẩn về hàm lượng chất béo; 96,7% không đạt chuẩn về hàm lượng đường saccrose.
Đặc biệt, mẫu sữa đậu nành không đạt tiêu chuẩn vi sinh chiếm rất cao: 90% mẫu bị ô nhiễm do tổng số vi khuẩn hiếm khí vượt quá mức cho phép.
* Cách chọn sản phẩm bảo đảm chất lượng
Theo BS. Nguyễn Thị Kim Hưng - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, về mặt cảm quan, sữa tươi bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm có dạng nhũ tương đồng đều, không vón cục, không có lớp bơ nổi váng trên mặt, mùi vị thơm ngon đặc trưng, không có mùi vị lạ. Một số thức uống có sữa như sữa đào, dâu, cam thường có lượng sữa nhỏ, có tác dụng gia vị hơn là dinh dưỡng. Điều đáng lưu ý là sữa đậu có chất lượng dinh dưỡng, hàm lượng đạm và béo đều thấp so với sữa tươi, vì thế chỉ nên sử dụng làm nước giải khát, không nên sử dụng thay sữa.
TS-BS Huỳnh Tấn Tiến - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo: ''Nhìn bằng mắt thường, khi thấy sữa tươi đóng cục là sữa đã bị hỏng do vi khuẩn bên ngoài xâm nhập''. Theo BS. Tiến, sữa tươi là loại giải khát giàu chất dinh dưỡng, nhưng ở môi trường nước nên vi sinh vật có điều kiện phát triển.
Với loại sữa tươi, sữa đậu do các hộ gia đình chế biến, các loại vi trùng gây bệnh đường ruột như E.Coli, Coliformes... rất dễ xâm nhập và luôn có tỉ lệ nhiễm khuẩn cao. Sữa đậu đóng chai thủ công bán rong ở lòng lề đường người mua không biết sản xuất ở đâu, thành phần có những gì thì không nên sử dụng nhiều. Nếu có uống, chỉ nên dùng nóng, không dùng lạnh vì ở nhiệt độ khoảng 70oC trở nên, các loại vi khuẩn nói trên không phát triển được.
Cách tốt nhất, theo các chuyên gia dinh dưỡng, là dùng những sản phẩm được sản xuất theo quy trình chế biến công nghiệp phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế; có bao bì, nhãn hiệu, ghi hạn sử dụng đầy đủ và đã công bố chất lượng sản phẩm...
. (Theo NLĐ)
|